Một số kết quả thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021

        Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 về Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017-2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh kèm theo Quyết định số 2211/QĐ-UBND ngày 08/08/2017. Theo đó UBND tỉnh xác định việc thực hiện Chương trình là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, đưa công tác PBGDPL phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo quyền được thông tin về pháp luật của Nhân dân, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Trên cơ sở đó, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ và Nhân dân. Để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục trong việc thực hiện Chương trình, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt việc thực hiện Chương trình lồng ghép với việc quán triệt thực hiện Kế hoạch công tác PBGDPL hàng năm, xác định việc thực hiện Chương trình là một trong các nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong giai đoạn 2017-2021.

        Thực hiện Chương trình này, từ năm 2017 đến nay, các cơ quan cấp tỉnh ban hành hơn 400 văn bản, cấp huyện ban hành hơn 300 văn bản, cấp xã ban hành gần 1000 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL. Cơ quan tư pháp các cấp đã ban hành gần 200 văn bản để hướng dẫn nghiệp vụ công tác này. Hình thức và nội dung PBGDPL không ngừng được đổi mới theo hướng chú trọng tuyên truyền các văn bản pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các quy định thuộc các lĩnh vực trọng tâm, quan trọng trong kế hoạch chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các vấn đề liên quan mật thiết đến nhân dân như đất đai, môi trường, trật tự an toàn xã hội, phòng chống bệnh truyền nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội… Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2017-2021 toàn tỉnh đã tổ chức hơn 27.000 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức và hưởng ứng 768 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, in ấn và cấp phát gần 3 triệu tài liệu tuyên truyền pháp luật. Đáng chú ý, công tác tuyên truyền pháp luật đã bám sát các nhiệm vụ chính trị quan trọng và yêu cầu thực tiễn trong từng thời điểm, như tuyên truyền pháp luật phục vụ đại hội Đảng các cấp, bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tuyên truyền pháp luật về phòng chống dịch bệnh Covid-19…

Hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2018

Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được quan tâm đẩy mạnh. Từ năm 2017 đến nay các cơ quan, địa phương đã  in ấn, cấp phát 17.650 sách pháp luật, 143.6000 tờ rơi, 32.000 đĩa VCD tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, nhân dân các xã vùng biên giới, bờ biển, thực hiện hàng trăm cuộc tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn biên giới và ngư dân đi biển dài ngày. Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các quy định, chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật, chế độ, trách nhiệm của nhà nước và xã hội trong việc tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách của người lao động và người sử dụng lao động. Các hoạt động PBGDPL cho phạm nhân tại trại giam đã được Công an tỉnh phối hợp với Hội Luật gia tỉnh triển khai nghiêm túc. Hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường được tăng cường thêm một bước. Trung bình mỗi năm học, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức hơn 300 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp dưới các hình thức như: Tổ chức Hội nghị, sinh hoạt đoàn, đội, tổ chức đối thoại, trao đổi, tổ chức cuộc thi ... Trong đó một số hình thức tạo sức lan tỏa như: Phiên tòa giả định, Hội thi Rung chuông vàng… Tại cấp huyện đã tổ chức 10.876 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp; in ấn, cấp phát 81.552 tờ rơi, tờ gấp và nhiều văn bản, tài liệu khác … cho các nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL.

Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Tĩnh phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp, phường Văn Yên, tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về phòng chống pháo nổ và quản lý, sử dụng pháo nổ cho người dân trên địa bàn

Việc xây dựng các mô hình điểm về PBGDPL để nhân rộng được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện. Năm 2018, trong khuôn khổ thực hiện dự án “Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Hà Tĩnh” của Chính phủ Vương Quốc Bỉ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp lựa chọn xã Kỳ Đồng- Huyện Kỳ Anh để xây dựng mô hình điểm về PBGDPL. Theo đó Sở đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể nhằm giúp địa phương triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng nhiều mô hình PBGDPL hiệu quả như: Mô hình “Câu lạc bộ tình thương” được xây dựng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; mô hình “Tổ chức đối thoại” giữa các cơ quan nhà nước và Nhân dân tại thị xã Hồng Lĩnh, mô hình “Hỏi đáp pháp luật” tại huyện Nghi Xuân thực sự là kênh thông tin để giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật kịp thời đến người dân, mô hình “Cầu nối se duyên” chống hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Chứt, mô hình “Xe tuyên truyền lưu động” của Bộ đội Biên phòng…

Đáng chú ý là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng chuyên mục PBGDPL trên Cổng thông tin điện tử của Sở với mục tiêu trở thành kênh tuyên truyền pháp luật kịp thời, đa dạng và hiệu quả, là địa chỉ tìm hiểu pháp luật tin cậy của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hệ thống cổng/trang thông tin của các ngành, địa phương thường xuyên được cập nhật, kịp thời đăng tải các văn bản pháp luật để cán bộ, nhân dân tìm hiểu. Một số ngành, địa phương khai thác có hiệu quả mạng xã hội trong công tác tuyên truyền như: Sở Thông tin và truyền thông, Tỉnh đoàn, các huyện: Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà... Báo Hà Tĩnh điện tử được đổi mới không ngừng về nội dung, hình thức, cập nhật kịp thời thông tin, được cán bộ, Nhân dân hết sức quan tâm với lượt truy cập trung bình mỗi ngày từ 20 – 25 chục ngàn lượt, cao điểm có ngày lên gần 85 chục ngàn lượt; riêng trong đợt dịch Covid-19, lượng đọc trung bình mỗi ngày từ 30 – 35 chục ngàn lượt. Theo số liệu thống kê, trong 05 năm toàn tỉnh đã đăng tải hơn 40.000  tin, bài, tài liệu trên internet để phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật. Hình thức tập huấn pháp luật trực tuyến được tỉnh nhà triển khai và mang lại kết quả đáng ghi nhận. Hà Tĩnh là một trong các địa phương sớm triển khai hình thức phổ biến pháp luật trực tuyến, có những cuộc cả ngàn người tham dự. Ngoài ra tỉnh nhà cũng đã tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến do Trung ương tổ chức như cuộc thi Chung tay vì an toàn giao thông, Pháp luật của mọi người, Pháp luật học đường, tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân… Nhiều thí sinh của tỉnh đạt giải cao tại các cuộc thi này và Hà Tĩnh thường xuyên thuộc nhóm các tỉnh có số lượng người tham gia thi cao nhất cả nước.

Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Hiện nay Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh gồm 38 thành viên, 59 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 237 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.479 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 13.241 hòa giải viên ở cơ sở. Ngành giáo dục hiện có hơn 136 giáo viên THPT giảng dạy môn giáo dục công dân và pháp luật; 1.529 giáo viên THCS dạy môn ghép có môn giáo dục công dân. Đội ngũ này thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ, về cơ bản đã phát huy được vai trò, trách nhiệm và năng lực của mình, thực sự là lực lượng nòng cốt, là cầu nối chuyển tải các nội dung pháp luật đến cán bộ và Nhân dân.

Có thể nói việc thực hiện Chương trình PBGDPL 2017-2021 đã tiếp tục tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác PBGDPL, từ đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL tại ngành, địa phương. Công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thể chế về công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh tiếp tục được hoàn thiện, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động, về cơ bản phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác này. Nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật tiếp tục được đổi mới, đáp ứng đúng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân, ứng dụng nhiều hình thức PBGDPL mới mang lại sức lan tỏa sâu rộng. Mối quan hệ phối hợp giữa các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng chặt chẽ. Nguồn lực đảm bảo thực hiện công tác PBGDPL được quan tâm hơn trước. Đa số người dân đã ý thức được việc tìm hiểu và chấp hành pháp luật là nghĩa vụ của bản thân và tự giác thực hiện, đồng thời vận động, thuyết phục những người xung quanh cùng tuân thủ pháp luật.

Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Chương trình này trong giai đoạn 2017-2021, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện Chương trình này trong giai đoạn tiếp theo trên địa bàn tỉnh để tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, đưa công tác PBGDPL phát triển hơn nữa, đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà./.

Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN