Công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật

Thực hiện quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong năm qua các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính và đã đạt nhiều kết quả nổi bật, cụ thể như sau:

            Thứ nhất, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 25/4/2019 về việc quy định tiêu chí, thẩm quyền, cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tạo cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp trên địa bàn tỉnh.

          Thứ hai, Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về XLVPHC. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về XLVPHC sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân với nhiều hình thức phổ biến đa dạng như: Tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm; phát hành các sổ tay về pháp luật XLVPHC; in các băng đĩa, tờ rơi, tờ gấp; phát các chương trình phổ biến trên hệ thống loa phát thanh thôn, xóm…Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn cũng được chú trọng hơn, đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp thực hiện nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính. Trong năm, trên toàn tỉnh đã tổ chức 347 cuộc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham mưu công tác xử phạt vi phạm hành chính với 32.741 lượt người tham gia.

Đoàn kiểm tra liên ngành do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tại Công an tỉnh

 Thứ ba, năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 57.219 vụ vi phạm hành chính (giảm 7.937 vụ so cùng kỳ năm 2018), trong đó đã xử phạt 57.016  vụ với 58.546 đối tượng bị xử phạt; các cơ quan, đơn vị đã ban hành 60.628 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có 58.694 quyết định đã được thi hành xong với tổng số tiền phạt thu được là 81.819.429.000 đồng, số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là 2.539.817.000 đồng. Tình hình vi phạm hành chính vẫn diễn ra khá phức tạp, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như: lĩnh vực an toàn giao thông với các hành vi điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép, chạy quá tốc độ quy định; lĩnh vực tài nguyên và môi trường với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, vứt rác không đúng nơi quy định, khai thác khoáng sản trái phép; lĩnh vực thương mại với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm; lĩnh vực thuế với các hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn…

Ngoài việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại địa phương cơ bản phù hợp với từng loại đối tượng, đúng thủ tục theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và huy động được sự tham gia của cộng đồng xã hội. Việc tiếp nhận đối tượng vào các cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Trong năm trên địa bàn toàn tỉnh có 197 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó có 191 đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Thứ , công tác thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, trong năm 2019 các ngành, địa phương đã tiến hành 178 cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 1.445 đơn vị, cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập theo Quyết định số 3407/QĐ-UBND ngày 17/10/2019, đã tổ chức kiểm tra công tác XLVPHC tại các đơn vị, địa phương: Cục Thuế tỉnh; Công an tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; huyện Hương Khê; huyện Kỳ Anh; Thị xã Kỳ Anh. Tại các đơn vị cấp huyện tiến hành kiểm tra 08 đơn vị cấp xã. Qua kiểm tra cho thấy về cơ bản quy trình xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính vẫn gặp một số khó khăn như: các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản có liên quan còn khiếm khuyết; quá trình triển khai thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính vẫn còn hạn chế về nguồn lực như cán bộ chuyên trách chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng; trang thiết bị, phương tiện, máy móc phục vụ cho công tác xác minh vụ việc phức tạp một số nơi, lĩnh vực chưa đảm bảo, công cụ hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra... Cùng với đó, lực lượng làm công tác XLVPHC tại các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, xã đã được tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn nghiệp vụ về XLVPHC, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đầy đủ về yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nguyên nhân là do số lượng các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp; công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin chưa chặt chẽ. Ngoài ra, nhận thức pháp luật của một số cán bộ, công chức về quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật của bộ phận cá nhân, tổ chức vẫn hạn chế.

  Để công tác xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và những năm tiếp theo đạt kết quả cao hơn nữa, thiết nghĩ cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương như: Cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản có liên quan nhằm đảm bảo khả thi, thuận tiện trong quá trình áp dụng; quan tâm đầu tư nguồn lực, xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về XLVPHC theo Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý vi phạm hành chính áp dụng trên toàn quốc; Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho người có thẩm quyền xử phạt và đội ngũ cán bộ tham mưu trong công tác xử lý vi phạm hành chính để ngày càng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ này; Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cần tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Đồng thời các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở theo hướng cụ thể, chuyên sâu để nâng cao nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới./.

                                                                                     Quang Lý

 TIN TỨC LIÊN QUAN