Một số nội dung mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020

        Một là, không còn quy định về hộ kinh doanh

        Luật mới đã bỏ các quy định về hộ kinh doanh, bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, khoản 4 Điều 217 giao Chính phủ hướng dẫn việc đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.

        Hai là, thay đổi tỷ lệ vốn trong khái niệm doanh nghiệp Nhà nước

        Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì khái niệm doanh nghiệp nhà nước chỉ bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; còn Luật năm 2020 đã đưa ra khái niệm theo hướng thay đổi tỷ lệ vốn mở rộng hơn, theo đó: “Doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật”.

        Ba là, mở rộng đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp

        Theo đó, bên cạnh các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam như quy định hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2020 còn bổ sung thêm 01 đối tượng khác không được thành lập và quản lý doanh nghiệp: Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

        Bốn là, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp

        Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, Luật mới đã bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết như thủ tục thông báo mẫu dấu; bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Theo đó người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không bắt buộc phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).

        Năm là, bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông

        Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật hiện hành để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

        Sáu là, mở rộng đối tượng hưởng quyền của cổ đông phổ thông nhằm chú trọng bảo vệ cổ đông nhỏ

        Theo quy định mới, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (thay vì 10% như hiện hành) tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty sẽ có các quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật. Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có sự điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%)  sở hữu cổ phần phổ thông thấp hơn so với quy định hiện hành.

        Việc quy định cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông thấp hơn được thực hiện các quyền quy định tại Luật là nhằm bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số và nhóm cổ đông trong doanh nghiệp. Đây là nội dung quan trọng quy định về khung quản trị doanh nghiệp. Việc quy định theo hướng trên cũng sẽ góp phần quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp.

        Bên cạnh đó, Luật đã quy định cụ thể hơn việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty...

Thanh Hoa

 TIN TỨC LIÊN QUAN