Các hành vi bị nghiêm cấm về di sản văn hóa
Ngày 23/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa năm 2024, trong đó quy định các hành vi bị nghiêm cấm về di sản văn hóa.
Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm về di sản văn hóa bao gồm:
- Chiếm đoạt di sản văn hóa; làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành di tích, nội dung và giá trị của di tích, di sản tư liệu; phổ biến, thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể hoặc đưa những yếu tố không phù hợp làm giảm giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể.
- Xâm hại, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa và cảnh quan văn hóa của di tích.
- Khai thác, sử dụng di sản văn hóa làm xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc.
- Lợi dụng di sản văn hóa và việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, công nhận, ghi danh di sản văn hóa để trục lợi, thờ tự, thực hành tín ngưỡng và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật; phân biệt đối xử, kỳ thị văn hóa, tạo ganh đua, mâu thuẫn, tranh chấp và xung đột văn hóa; cản trở quyền sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa.
- Công nhận, trao tặng các danh hiệu liên quan đến di sản văn hóa trái quy định của pháp luật.
- Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; tìm kiếm, trục vớt trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm đắm dưới nước; đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật; xây dựng trái phép trong khu vực bảo vệ di tích, khu vực thăm dò khai quật khảo cổ và địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ.
- Mua bán, sưu tầm, kinh doanh, trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc không hợp pháp.
- Lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
- Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khi chưa có ý kiến hoặc không thực hiện đúng quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, phê duyệt dự án, nội dung thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Kinh doanh dịch vụ về di sản văn hoá khi chưa đủ điều kiện kinh doanh, hành nghề quy định tại các Điều 78, 79, 80 và 81 Luật Di sản văn hóa 2024.
- Làm giả di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu ra nước ngoài.
- Lợi dụng hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động bạo lực, gây thù hằn giữa các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; phá hoại thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín.
- Lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ sưu tầm hiện vật để mua, tư vấn cho tổ chức, cá nhân khác mua, bán hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng công lập hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến việc mua, bán hiện vật khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức được giao quản lý bảo tàng và chủ sở hữu hiện vật.
Luật Di sản văn hóa năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Anh Thơ