Đẩy mạnh công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại cơ sở

Trong xã hội hiện đại, công tác truyền thông ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại cơ sở được các cấp, các ngành đánh giá cao về tính hiệu quả, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm, ổn định chính trị, an toàn xã hội ở địa phương.

Ảnh: Truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại cơ sở

 

Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật đã được Trung tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại cơ sở; truyền thông về trợ giúp pháp lý thông qua hoạt động tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng; truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…. Từ năm 2020 đến ngày 31/3/2023, Trung tâm  đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện thành công 486 cuộc truyền thông v trợ giúp pháp lý. Thông qua các cuộc truyền thông, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đã giới thiệu về về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản có liên quan; Bộ Luật Dân sự 2015; Luật Đất đai 2013; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng...

Song song với hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở, Trung tâm cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại cơ sở. Từ năm 2020 đến ngày 31/3/2023, Trung tâm đã thực hiện tư vấn 323 vụ việc cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (trong đó có 05 vụ việc thuộc lĩnh vực pháp luật Hình sự; 114 vụ việc thuộc lĩnh vực pháp luật Dân sự; 57 vụ việc thuộc lĩnh vực pháp luật Hành chính; 147 vụ việc thuộc lĩnh vực pháp luật khác). Thông qua hoạt động tư vấn tại cơ sở đã giúp cho người dân, người được trợ giúp pháp lý biết được quyền và lợi ích hợp pháp cơ bản của mình, giảm thiểu việc khiếu kiện, khiếu nại trái pháp luật, góp phần hạn chế những phát sinh mâu thuẫn, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Với việc đổi mới, sáng tạo, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung truyền thông nên so với giai đoạn trước khi triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý 2017 nên đã có nhiều người dân biết đến công tác trợ giúp pháp lý. Nhờ đó, số lượng, chất lượng vụ việc tham gia tố tụng ngày một tăng. Từ năm 2020 đến ngày 31/3/2023, Trung tâm đã thực hiện 782 vụ việc tham gia tố tụng, 05 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Chất lượng vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng không ngừng được cải thiện, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý được bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Trung tâm đã biên soạn, in ấn hơn 141.000 tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về Trung tâm Trợ giúp pháp lý, một số nội dung về trợ giúp pháp lý và tài liệu pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật thiết yếu cho người dân như pháp luật về đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, bảo trợ xã hội, pháp luật về chính sách đối với người khuyết tật... Triển khai lắp thay thế, lắp mới 98 Bảng thông tin, Hộp tin trợ giúp pháp lý tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Trợ giúp viên pháp lý, Chuyên viên của Trung tâm viết tin, bài, các câu chuyện pháp luật trợ giúp pháp lý, các bài viết nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý đăng trên Cổng thông tin điện tử của Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp; xây dựng chuyên mục phát thanh “Trợ giúp pháp lý với người dân” giới thiệu các chính sách pháp luật mới của Đảng, Nhà nước và giới thiệu những câu chuyện pháp luật liên quan đến người thuộc diện trợ giúp pháp lý mà Trung tâm đã thực hiện để phát trên hệ thống truyền thanh của các thôn, tổ dân phố. Đặc biệt, Trung tâm đã phát các Phóng sự do Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Trung tâm xây dựng dựa trên các vụ việc trợ giúp pháp lý có thật do các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua việc triển khai thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại cơ sở vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như:

Thứ nhất, người được trợ giúp pháp lý thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, người nghèo, người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với các thông tin, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên việc giải thích, hướng dẫn họ thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, việc phối hợp trong thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý vẫn chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức, vẫn còn một số địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xã hội chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý; chưa thực sự tích cực, chủ động, trong việc phối hợp thực hiện truyền thông về quyền trợ giúp pháp lý đến với người dân.

Thứ ba, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017, diện người được trợ giúp pháp lý mở rộng, số lượng người được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh cao, đến tháng 3/2023 chiếm 42,47% dân số trên địa bàn (558.042 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý) nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng nhiều, song số lượng Trợ giúp viên pháp lý và nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý còn ít, chính sách huy động, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý còn hạn chế. Điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, kinh phí cấp cho công tác trợ giúp pháp lý còn hạn hẹp nên việc triển khai công tác trợ giúp pháp lý nói chung và công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, nội dung truyền thông có chỗ còn chưa phù hợp với các đối tượng đặc thù và địa bàn sinh sống của người dân. Công tác truyền thông có lúc chưa phản ánh đầy đủ, sinh động thực tế công tác trợ giúp pháp lý nên chưa thu hút sự quan tâm của xã hội, người dân.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại cơ sở, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, đa dạng hóa các phương thức truyền thông về trợ giúp pháp lý

Để người dân, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý nắm bắt được các thông tin về trợ giúp pháp lý và các lĩnh vực pháp luật khác, cần lựa chọn nội dung phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với đặc thù từng vùng, tập quán từng địa phương, trình độ dân trí của người dân, làm chuyển biến nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý. Duy trì hoạt động của đường dây nóng; định kỳ bố trí cán bộ trực tiếp nhận các thông tin của người dân và giải đáp các vướng mắc về pháp luật, nhất là thông tin của những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Thứ hai, nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao k năng truyền thông, kỹ năng tư vấn pháp luật và kỹ năng tham gia tố tụng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng tập trung vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng trợ giúp pháp lý, kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù và thực hiện trợ giúp pháp lý trên từng lĩnh vực cụ thể.

Thứ ba, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan

Quy định cụ thể nhiệm vụ của các cơ quan liên quan trong việc phối hợp tổ chức truyền thông và tư vấn pháp luật nhằm phát huy trách nhiệm, tính chủ động của các Sở, ban, ngành cơ quan đơn vị trong công tác trợ giúp pháp lý. Đồng thời, có cơ chế huy động, tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý cho những người có điều kiện tiếp xúc hàng ngày với người dân như cán bộ xã, phường, giáo viên trên địa bàn, công an xã, trưởng thôn, cán bộ hòa giải, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, già làng, trưởng bản… để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý liên hệ với Trung tâm khi cần.

Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; bổ sung các nguồn lực cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân lập thành tích xuất sắc, có đóng góp tích cực cho hoạt động trợ giúp pháp lý; phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc... Tiếp tục bồi dưỡng, cử Chuyên viên tham gia các khóa đào tạo Luật sư để làm nguồn cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; bổ sung thêm biên chế, kinh phí cho Trung tâm để có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý ngày một tăng./.

 

Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Trong xã hội hiện đại, công tác truyền thông ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại cơ sở được các cấp, các ngành đánh giá cao về tính hiệu quả, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm, ổn định chính trị, an toàn xã hội ở địa phương.
Hưởng ứng ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18/4, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh tổ chức thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho người dân và Người khuyết tật tại 6/6 xã, phường của thị xã Hồng Lĩnh.
Đã thành thông lệ, cứ qua một đợt khảo sát trợ giúp pháp lý hễ bất kỳ nơi đâu trong tỉnh, Nhân dân có nhu cầu tiếp cận pháp luật, chính quyền các xã đề nghị được trợ giúp các lĩnh vực pháp luật mà cán bộ và Nhân dân đang quan tâm thì không quản xa xôi, nắng mưa chúng tôi lại hăm hở lên đường. Với một tâm niệm “thêm một người hiểu biết pháp luật là một niềm vui…”.