Đi về miền ký ức trợ giúp pháp lý

Đã thành thông lệ, cứ qua một đợt khảo sát trợ giúp pháp lý hễ bất kỳ nơi đâu trong tỉnh, Nhân dân có nhu cầu tiếp cận pháp luật, chính quyền các xã đề nghị được trợ giúp các lĩnh vực pháp luật mà cán bộ và Nhân dân đang quan tâm thì không quản xa xôi, nắng mưa chúng tôi lại hăm hở lên đường. Với một tâm niệm “thêm một người hiểu biết pháp luật là một niềm vui…”.

Những nẻo đường trợ giúp pháp lý

         Trời còn tối đen như mực, Anh em Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã phải “ Chào buổi sáng” í ới nhau lên đường để đến với bà con nhân dân các xã nghèo trong tỉnh. Sau hơn một giờ xe lăn bánh đã đưa chúng tôi về Xuân Yên-một xã miền biển của huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Mặc dù mới 7 giờ sáng nhưng bà con trong xã phần lớn làm ngư nghiệp đã không theo thuyền ra khơi mà tập trung đầy đủ tại Hội trường UBND xã để nghe các Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý. Dù nhiệt độ ngoài trời là 39,5oC, gió lào miền Trung rít lên từng cơn khô khan, khốc liệt kéo theo những luồn cát trắng phả vào đến rát mặt nhưng bà con vẫn chăm chú lắng nghe từng lời giải đáp, phổ biến của Trợ giúp viên pháp lý về các quy định của pháp luật. Đặc biệt là các chính sách đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, người nghèo, các nội dung của Luật Đất đai, Luật Hình sự, Hành chính, Luật Dân sự, Hôn nhân gia đình… Là một xã nghèo với hơn 80% dân số làm nông nghiệp, ngư nghiệp, có một số lượng lớn gia đình thuộc diện chính sách cho nên có thể nói nhu cầu được tiếp cận pháp luật miễn phí của Nhân dân xã Xuân Yên là rất lớn. Bởi vậy, khi biết có Trung tâm trợ giúp pháp lý Hà Tĩnh về làm việc tại xã, bà con không ai bảo nhau đã kéo về hội trường với số lượng lớn, đưa những băn khoăn thắc mắc của mình về các lĩnh vực pháp luật để được giải đáp, những người không có điều kiện đến trực tiếp thì được nghe phổ biến qua hệ thống truyền thanh của xã. Số lượng thành viên của Đoàn trợ giúp chỉ có 4 người nhưng đã phải  trả lời trực tiếp cho hơn 100 lượt người, phổ biến các lĩnh vực pháp luật cho hơn 400 lượt người. Trong điều kiện thời tiết nóng nực, khô khốc của gió lào miền Trung nên mồ hôi ai cũng nhễ nhãi, đầm đìa ướt cả áo, trưa chúng tôi làm việc đến tận 12 giờ, chiều đến gần 19 giờ nhưng vẫn chưa được nghỉ vì “dân còn hỏi, thì cán bộ còn phải trả lời”. Mệt là thế nhưng ai cũng đều vui vẻ, khi có một người dân hỏi “với số lượng người có nhu cầu trợ giúp đông, các anh phải làm việc thông tầm chắc mệt lắm nhỉ? Anh Phan Hương – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm vui vẻ trả lời “ở đâu dân cần trợ giúp pháp lý thì ở đó có chúng tôi, mệt thì mệt thật nhưng thêm một người dân hiểu biết pháp luật là thêm một niềm vui rồi…”

Ngày tiếp theo anh em đến trong đợt truyền thông và trợ giúp pháp lý tại địa bàn huyện Nghi Xuân là xã Xuân Hải, khi đoàn công tác trợ giúp pháp lý đến địa bàn xã Xuân Hải chỉ mới 6 giờ 10 phút, tiếng còi tàu, thuyền cập bến réo rắt, những bà, những mẹ, những chị mỗi người đem theo một niềm hi vọng thuyền về đầy ắp cá và niềm vui khi chồng, con, cháu bình an trở về sau một đêm lênh đênh trên biển. Chúng tôi vui chung cùng với niềm vui của bà con nhưng bất chợt thoáng nghĩ bán cá và tìm hiểu pháp luật chắc chắn bà con phải chọn bán cá rồi, không biết có ai đến để được trợ giúp pháp lý không? Nhưng…thật bất ngờ đến 7h30’ đúng thời gian ấn định, hội trường xã bà con đến rất đông, chỗ ngồi chật cứng, có những ông, những bà đã già đi lại rất khó khăn, có những người tàn tật đi xe lăn đến để được nghe phổ biến pháp luật. Đặc biệt, đã đi nhiều, gặp nhiều các đối tượng được trợ giúp pháp lý, có những đối tượng làm cho chúng tôi rưng rưng nước mắt nhưng tại cuộc trợ giúp pháp lý tại cơ sở ở Xuân Hải, chúng tôi lặng người đi khi thấy bác Nguyễn Văn Hải-Người bị nhiễm chất độc hóa học nhờ vợ đẩy xe lăn di chuyển đến hội trường để nằm nghe các chuyên đề pháp luật, để được trợ giúp pháp lý. Người gầy yếu, nói chuyện rất khó khăn nhưng bác bảo “ Hôm nay nghe nói có đoàn trợ giúp pháp lý tại cơ sở về nên tôi đến để được nghe pháp luật và cũng để nhờ Trung tâm tư vấn, hướng dẫnvề chế độ của tôi”. Bác là người bị nhiễm chất độc hóa học (tỷ lệ thương tật 82%) trước đây bác được hưởng chế độ phụ cấp người phục vụ theo quy định của pháp luật nhưng từ tháng 11/2014 bác bị cắt chế độ này mà không rõ lý do, bác đã viết đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để hỏi nhưng vẫn không được trả lời. Chúng tôi tiếp nhận đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của bác và ngay sau cuộc trợ giúp pháp lý tại địa bàn huyện Nghi Xuân kết thúc, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý đã ban hành văn bản đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, sau thời gian chờ đợi đến nay bác Hải đã được phục hồi chế độ.

Rời Xuân Hải, chúng tôi đến với địa bàn Xuân Lam, trong một hội trường chật cứng người, mặc dù phải trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho hàng trăm người nhưng chúng tôi không thể không dõi theo một cựu chiến binh với dáng người nhỏ thó, da đen, gầy guộc thỉnh thoảng nói những điều bâng quơ gì đó không hiểu. Có người bảo ông ấy khi tỉnh, khi mê vậy đó, hôm nay nghe nói đoàn trợ giúp pháp lý về nên ông ấy cũng đến. Hỏi bác ấy chúng tôi mới biết, trước đây bác tham gia chống mỹ cứu nước bị thương ở đầu và nhiều vết thương trên cơ thể nên những ngày trời nắng nóng thần kinh không bình thường. Với trường hợp của Bác nếu có hồ sơ thì hoàn toàn có thể làm được chế độ, thế nhưng chúng tôi như lặng người đi khi biết có người đã lừa Bác làm chế độ vào thời điểm gia đình bác mới nhận hỗ trợ tiền dầu tham gia đánh bắt vươn khơi của nhà nước không được đã đành lại còn làm mất luôn hồ sơ của Bác. Tư vấn xong cho người cựu chiến binh nghèo, hoàn cảnh éo le đó mà chúng tôi không khỏi nặng trĩu lòng, giá như Anh em trợ giúp về được sớm hơn, sát thực hơn thì có lẽ bác đã không bị lừa, bác đã có chế độ chứ giờ gần như là không tưởng.

          Cầu sắp sập rồi đưa tài liệu xuống đi

        Sau đợt truyền thông và trợ giúp pháp lý tại địa bàn huyện Nghi Xuân, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh lại tiếp tục hành trình TGPL ở cơ sở của mình tại địa bàn huyện Hương Sơn. So với các địa bàn khác thì địa bàn này khó khăn và vất vả hơn rất nhiều, đã xác định ngay từ đầu về những vất vả khi đi địa bàn huyện  Hương Sơn và cũng đã quá quen với những cuộc hành trình như thế này nên mặc dù không được thời tiết ủng hộ khi bắt đầu chuyến hành trình bằng những cơn mưa nhưng từ lúc xe lăn bánh cho đến khi xe đến tại xã Sơn Tân- xã đầu tiên thực hiện trợ giúp pháp lý của địa bàn huyện trên xe không ngớt tiếng cười, tiếng nói và cả những câu chuyện vui. Trong chuyến hành trình này, có một điều làm chúng tôi nhớ mãi đó là khi xe đi qua một cây cầu yếu, cầu bị hỏng một bên, anh lái xe bảo chúng tôi xuống cho xe nhẹ bớt đi vì sợ cầu sập. Không hiểu sao lúc đó không ai bảo ai chúng tôi xách hết tài liệu xuống xe vì sợ xe bị lật không có tài liệu để tư vấn cho dân mà quên mất rằng tất cả đồ đạc và những tài sản giá trị khác như máy tính, điện thoại… vẫn còn để lại trên xe. Bởi vậy mà cho đến bầy giờ, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn trêu đùa nhau “ Cầu gần sập rồi, đưa tài liệu trợ giúp pháp lý xuống đi”

       Tại địa bàn huyện Hương Sơn, có rất nhiều người dân hỏi các nội dung liên quan đến pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và Bảo trợ xã hội. Đặc biệt tại cuộc trợ giúp pháp lý tại cơ sở chúng tôi đã nhận được phản ánh của rất nhiều người dân thôn Tân Thắng-xã Sơn Tân về việc khai thác cát của một công ty bị người dân phản đối quyết liệt dẫn đến khả năng trở thành “điểm nóng”, căn cứ các quy định pháp luật, các Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích, hoà giải, cuối cùng người dân, doanh nghiệp, chính quyền xã cũng đã hiểu ra vấn đề, người dân hết bức xúc và chấp hành theo quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Không chỉ trợ giúp pháp lý trên địa bàn, để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thương, bệnh binh và những người có công với cách mạng. Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tặng 03 suất quà cho các đối tượng là mẹ liệt sĩ, Thanh niên xung phong sống cô đơn không nơi nương tựa và Thương binh nặng (hạng ¼).

       Tui đã chuẩn bị thuốc nổ rồi, một là hắn chết, hai là tui chết.

       Trong những chuyến hành trình trợ giúp pháp lý tại cơ sở chúng tôi không thể quên được vụ việc của một Thương Binh ở xã Kỳ Thịnh, khi biết đoàn Trợ giúp pháp lý về bác đã đến từ sáng sớm cầm trên tay một bộ hồ sơ dày cộp, “ nhờ các o các chú giúp tôi lấy lại nhà, nếu không được bằng pháp luật thì tui sẽ cho nổ tung nhà thằng Quý một là hắn chết hai là tui chết”. Sau khi tiếp nhận yêu cầu, bằng các biện pháp nghiệp vụ cộng, với vận dụng các quy định của pháp luật chúng tôi đã từ từ phân tích cho đối tượng hiểu về quy định của pháp luật đối với vụ việc mà đối tượng đưa ra, đồng thời chỉ rõ quy định của pháp luật hình sự đối với hành vi mà đối tượng định làm, đặc biệt là chúng tôi biết khai thác sâu tâm lý của người lính đã mạnh dạn nói thẳng với đối tượng “ Bác vào sinh, ra tử ở chiến trường rồi, không chết bởi chiến trường thì cũng đừng chết bởi thị trường nhà đất…” lúc này người cựu chiến binh già mới bừng tỉnh nói “chú nói đúng, không có các chú thì chắc chắn trong tuần này tui đã làm, vì uất ức lâu nay rồi…”Vậy là không làm chiến sỹ công binh nhưng anh em Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã gỡ được một ngòi nổ.

Càng đi về cơ sở, tiếp xúc gần gũi, đồng hành cùng người dân chúng tôi càng nhận thấy và tâm niệm ““Đối với mỗi người dân, sự hiểu biết pháp luật không những giúp cho họ làm đúng theo pháp luật mà còn giúp họ mở rộng tầm nhìn và sáng tạo trong cách làm kinh tế. Bởi vậy trợ giúp pháp lý luôn là con đường gần gũi để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Kể từ khi thành lập (6-1998) đến nay Trung tâm trợ giúp pháp lý Hà Tĩnh với tôn chỉ mục đích là giúp đỡ cho người nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện tương tự như người khác trong việc tiếp cận pháp luật; góp phần nâng cao trình độ pháp lý, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần không nhỏ vào việc ổn định trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.

Mỗi địa bàn trợ giúp pháp lý tại cơ sở, chúng tôi lại gặp những đối tượng TGPL, những mảnh đời, hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung lại hầu hết là những đối tượng yếu thế, do đó khi được tiếp cận pháp luật, được trợ giúp pháp lý ai cũng phấn khởi, gặp lại cán bộ trợ giúp như gặp lại những người con, người em, người cháu của mình, nên họ có nhiều cách thể hiện tình cảm khác nhau, người thì nắm tay chặt, người thì đứng vẫy tay chào đoàn TGPL mãi khi không thấy nữa mới về, người thì đến đưa cho quả mít, quả bưởi, cân lạc…bắt phải lấy. Dẫu có vất vả trăm bề nhưng mỗi cán bộ trợ giúp như được tiếp thêm sức mạnh và niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi- những cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý chỉ đơn giản là những cái nắm tay thật chặt, những lời nói cảm ơn chân thành từ phía bà con.

Nguyễn Quốc Tuấn 

 TIN TỨC LIÊN QUAN