Hiệu quả từ cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” do Sở Tư pháp Hà Tĩnh tổ chức là một hoạt động nổi bật và trọng tâm nhất trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 05/11/2022 trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp. Mặc dù, Cuộc thi đã chính thức khép lại, nhưng thực sự đã lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả rõ nét trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác tổ chức được triển khai bài bản, đồng bộ

Để triển khai Cuộc thi , Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 317/KH-STP ngày 30/9/2022 về tổ chức Cuộc thi, thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi và Tổ Thư ký. Sau khi được thành lập, Ban Tổ chức ban hành Thể lệ cuộc thi. Sở Tư pháp ban hành văn bản đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực hưởng ứng Cuộc thi và khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân, nhất là học sinh, sinh viên trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc thi.

Để đảm bảo chất lượng của cuộc thi, Ban tổ chức đặc biệt chú trọng khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và phần mềm phục vụ cuộc thi. Trong đó bộ câu hỏi thi được xây dựng ngắn gọn, chính xác, có nội dung gần gũi, thiết thực trong đời sống hàng ngày, phù hợp với tình hình xử lý vi phạm pháp luật hành chính trên địa bàn. Phần mềm phục vụ cuộc thi được Ban Tổ chức phối hợp với đơn vị công nghệ thông tin có kinh nghiệm để xây dựng với giao diện thân thiện, dễ thao tác, có chức năng trộn đề, thống kê số thí sinh tham gia và số lượt thi của từng địa phương, đơn vị. Trên giao diện phần mềm hiển thị 02 số điện thoại liên hệ hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết. Với hình thức thi trực tuyến, mọi người có thể tham gia thi mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị điện tử; đồng thời, tiết kiệm được thời gian, chi phí tổ chức, cũng như chi phí, thời gian của thí sinh, phù hợp với yêu cầu, định hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0.

Đa dạng hình thức truyền thông

Để cuộc thi lan tỏa sâu rộng, Ban tổ chức đã kết hợp đồng bộ, có hiệu quả nhiều hình thức truyền thông. Thể lệ và đường link cuộc thi được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp, đồng thời được gửi qua hệ thống gửi nhận cho tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã. Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo pháp luật Việt Nam đã đưa tin rộng rãi về cuộc thi. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã tích cực truyền thông về cuộc thi thông qua Cổng/trang thông tin điện tử và các tài khoản trên mạng xã hội (facebook, zalo), trong đó thường xuyên đăng tải hình ảnh, số liệu tham gia cuộc thi để khích lệ, động viên cán bộ, Nhân dân tham gia kịp thời. Nhiều địa phương cũng đã tuyên truyền về cuộc thi thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, hệ thống zalo, facobook.  Hàng ngày, Ban Tổ chức cuộc thi cập nhật số lượng thí sinh của các đơn vị để khích lệ, tạo không khí thi đua, tuyên truyền cho cuộc thi.

Lễ phát động cuộc thi được tổ chức trực tuyến với 14 điểm cầu

Đặc biệt, lễ phát động và lễ tổng kết cuộc thi đều được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với 14 điểm cầu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Ngay sau lễ phát động của Ban tổ chức, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố thị xã đã có văn bản chỉ đạo, quán triệt, hướng dẫn tham gia cuộc thi. Nhiều địa phương, đơn vị tổ chức lễ phát động hoặc lồng ghép phát động cuộc thi trong lễ hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam hoặc Lễ Chào cờ đầu tháng 11.

Bất ngờ với số thí sinh hưởng ứng tham gia

Nhờ làm tốt công tác tổ chức và truyền thông, Cuộc thi đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, toàn tỉnh có 45.947 người tham gia thi với 70.228 lượt thi, có thời điểm phần mềm tiếp nhận từ 5 - 6 ngàn lượt thi/ngày. Trong đó 13/13 huyện, thành phố, thị xã và tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có thí sinh tham gia cuộc thi. Một số đơn vị có số lượng thí sinh tham gia đông như: Ngành Giáo dục và Đào tạo với 9.950 thí sinh, Công an tỉnh với 1.890 thí sinh, Huyện Kỳ Anh với 4.533 thí sinh, huyện Thạch Hà với 3.885 thí sinh… Trong đó cơ cấu thí sinh đa dạng về ngành nghề, độ tuổi, có học sinh, giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp, người lao động tự do…

Thí sinh huyện Kỳ Anh tích cực hưởng ứng cuộc thi

 Nhiều bài thi có chất lượng tốt

          Một trong những điểm làm nên thành công cuộc thi đó là chất lượng làm bài thi của thí sinh khá đồng đều, số câu trả lời đúng chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù xử lý vi phạm hành chính là một lĩnh vực khó và phức tạp, số lượng văn bản pháp luật điều chỉnh tương đối nhiều, song trong cuộc thi này có 1.241 thí sinh trả lời đúng 19/19 câu hỏi trắc nghiệm, 1.300 thí sinh trả lời đúng 18/19 câu hỏi và 1.462 thí sinh trả lời đúng 17/19 câu hỏi. Một số tập thể có số lượng thí sinh đạt điểm tối đa cao như Trường trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân có 292 thí sinh đạt 19/19 điểm, huyện Kỳ Anh có 214 thí sinh đạt 19/19 điểm...

Đồng chí Lê Viết Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi trao giải “Đơn vị có số lượng thí sinh đạt điểm tối đa cao nhất” cho trường THPT Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân

Đồng chí Đinh Văn Hồng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp trao giải nhì cho các thí sinh

Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành Quyết định công nhận kết quả và trao giải cho 19 cá nhân. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức trao giải “Đơn vị có số lượng thí sinh đạt điểm tối đa cao nhất” cho tập thể trường THPT Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân.

Góp phần hình thành thói quen chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật

Có thể thấy rằng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” thực sự đã lan tỏa sâu rộng, được đông đảo cán bộ và Nhân dân hưởng ứng tích cực. Để trả lời đúng các câu hỏi trong đề thi, thí sinh phải có sự đầu tư nghiên cứu cách thức làm bài hiệu quả, tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung thi. Từ đó góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho các thí sinh; hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân trên các địa bàn dân cư. Đây là cơ sở, động lực để Sở Tư pháp và các đơn vị trong toàn tỉnh tiếp tục tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật và tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước bằng hình trực tuyến khác trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới./.

                                                                  Thiều Chiên

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” do Sở Tư pháp Hà Tĩnh tổ chức là một hoạt động nổi bật và trọng tâm nhất trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 05/11/2022 trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp. Mặc dù, Cuộc thi đã chính thức khép lại, nhưng thực sự đã lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả rõ nét trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.