Kết quả thực hiện công tác trợ giúp pháp lý 6 tháng đầu năm 2023
Sáu tháng đầu năm, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật tại các địa phương.
Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý đã được Trung tâm triển khai ngay đầu Quý I, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng hình thức, đến nay, đã tổ chức thực hiện thành công 32 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở, trong đó: đã giới thiệu những nội dung cơ bản Luật Trợ giúp pháp lý; văn bản pháp luật quan trọng, thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. biên soạn, in ấn hơn 70.000 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật cấp, phát miễn phí cho người dân, để trong Hộp tin tại các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm giúp cho người dân, đặc biệt là người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo thực hiện quyền được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí, tài liệu pháp luật được biên soạn dễ hiểu, dễ áp dụng theo các lĩnh vực pháp luật, được người dân, người được TGPL quan tâm như: Một số quy định của pháp luật về chính sách vay vốn tín dụng đối với hộ nghèo; chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng; chế độ hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; chính sách vay vốn tín dụng đối với hộ cận nghèo; chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi; một số nội dung cơ bản của bộ luật dân sự 2015 về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ; Sách hỏi đáp và các tình huống về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất... Ngoài ra, thông qua các cuộc truyền thông và tư vấn pháp luật tại cơ sở, Trung tâm tổ chức trình chiếu các phóng sự do Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Trung tâm TGPL dựa trên các vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, gồm các phóng sự: “Mở ra con đường sáng”, “Sau giông bão cuộc đời”, “Cái giá phải trả cho phút nóng giận”, “Cán cân công lý”... Qua các phóng sự đã góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, diện người được trợ giúp pháp lý, cách thức liên hệ khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý, các quy định về pháp luật hình sự. Thường xuyên cải tiến, nâng cấp đường dây nóng về TGPL để người dân dễ dàng liên hệ với Trung tâm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, giảm thiểu các chi phí, Trợ giúp viên pháp lý, Chuyên viên của Trung tâm thường xuyên viết tin, bài, các câu chuyện pháp luật, các bài viết nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý…đăng Báo Hà Tĩnh, Cổng thông tin điện tử của Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp.
Hoạt động tư vấn tại trụ sở, cơ sở luôn được quan tâm, 6 tháng đầu năm, Trung tâm thực hiện tư vấn, hướng dẫn 91 vụ việc cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (tăng 53% so với cùng kì năm 2022) trong đó có 41 vụ việc dân sự, 21 vụ việc hành chính, 29 vụ việc khác. Phần lớn các vụ việc TGPL được các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tư vấn, hướng dẫn kịp thời, chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh, việc tư vấn, hướng dẫn, đối với những vụ việc phức tạp, các Trợ giúp viên pháp lý đã đồng hành cùng người được TGPL để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL đã góp phần giải quyết nhiều vướng mắc, giảm bớt khiếu kiện, khiếu nại trái pháp luật.
Đến nay, Trung tâm đã hoàn thiện điểm cầu thành phần xét xử trực tuyến và đã phối hợp với Toà án tổ chức thành công 02 phiên toà xét xử trực tuyến. Bên cạnh đó, 06 đầu năm, Trung tâm đã cử và thực hiện 191 vụ việc trong tố tụng, đại diện ngoài tố tụng (tăng 1,13 lần so với cùng kì năm 2022), trong đó: Tiếp nhận mới 93 vụ việc tham gia tố tụng trong đó có 85 vụ việc hình sự, 08 vụ việc dân sự và 01 vụ việc đại diện ngoài tố tụng thuộc lĩnh vực hành chính. Nhiều vụ việc các ý kiến tranh tụng cũng như các đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên đã được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, bảo đảm tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện được 74 vụ việc đạt tiêu chí thành công, hiệu quả (chiếm 77% tổng số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành) đã giúp người yếu thế bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 06 tháng đầu năm, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như: vụ mùa, thời tiết... nên việc bố trí sắp xếp thời gian cho hoạt động truyền thông về TGPL chưa được thường xuyên, liên tục; Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao phối hợp thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật chưa chủ động, tích cực phối hợp với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động TGPL; Một số Trợ giúp viên pháp lý mới được bổ nhiệm kinh nghiệm còn hạn chế nên việc tham gia các hoạt động TGPL còn gặp nhiều khó khăn; Diện người được TGPL rộng, tuy nhiên nguồn kinh phí cho công tác trợ giúp pháp lý ở cơ sở còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trợ giúp pháp lý 06 tháng cuối năm 2023, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý thông qua nhiều hình thức như viết các tin bài, cấp phát tài liệu hỏi đáp, tờ gấp, tờ rơi, hộp tin, bảng tin, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí... Chú trọng truyền thông về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL, tổ chức TGPL để nâng cao hiểu biết của cán bộ, người dân và người được TGPL về hoạt động TGPL.
Hai là, Tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh với các cơ quan, tổ chức có liên quan (các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội,...); kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Sở Tư pháp, Cục trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành trong công tác trợ giúp pháp lý. Tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giới thiệu, thông tin về người được TGPL, vụ việc hoặc đề nghị cử người tham gia các vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho người được TGPL một cách nhanh chóng, kịp thời.
Ba là, Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu để nâng cao trình độ và kỹ năng tranh tụng cho TGVPL: đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, chú trọng: trang bị các kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ việc, vụ án cụ thể.
Bốn là, Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh thời gian tới./.
Anh Thơ