Nâng cao chất lượng công tác thống kê trong ngành Tư pháp

Xác định được vai trò, tầm quan trọng của công tác thống kê đối với việc đánh giá khách quan, chính xác những kết quả, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ, từ đó hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển của địa phương, của ngành, nên trong những năm qua, ngành Tư pháp luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác này.

Trên cơ sở Luật Thống kê năm 2015, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03/03/2016 quy định một số nội dung về thống kê của ngành Tư pháp, sau đó được thay thế bằng Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019, các Thông tư này quy định về chế độ báo cáo thống kê; điều tra thống kê; phân tích, dự báo, công bố, phổ biến, sử dụng thông tin thống kê; ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm tra việc thực hiện công tác thống kê của ngành Tư pháp. Hiện nay, ngành Tư pháp đang thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo Thông tư số 03/2019/TT-BTP trong các lĩnh vực: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Pháp chế; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Hòa giải ở cơ sở; Chuẩn tiếp cận pháp luật; Hộ tịch; Chứng thực; Lý lịch tư pháp; Nuôi con nuôi; Trợ giúp pháp lý; Đăng ký giao dịch bảo đảm; Luật sư; Công chứng; Giám định tư pháp; Đấu giá tài sản; Trọng tài thương mại; Quản lý thanh lý tài sản; Tương trợ tư pháp với 03 kỳ báo cáo: báo cáo 6 tháng, báo cáo năm lần 1 và báo cáo năm chính thức.

Trong những năm qua, hoạt động về thống kê ngành Tư pháp đã được Sở Tư pháp Hà Tĩnh triển khai thực hiện nghiêm túc, nề nếp, phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, phản ánh khách quan kết quả thực hiện các lĩnh vực công tác tư pháp, là căn cứ quan trọng để đưa ra những giải pháp, định hướng phù hợp với thực tiễn của Ngành và địa phương. 100% báo cáo của Sở tổng hợp gửi Bộ Tư pháp đều đảm bảo đúng và trước thời hạn, đầy đủ số lượng biểu, có gửi kèm Công văn thuyết minh báo cáo thống kê và có giải thích ở từng biểu khi có sự tăng, giảm đột biến về số liệu, hoặc có đính chính do sai sót trong quá trình tổng hợp số liệu. Do đó, về cơ bản đảm bảo được tính đầy đủ, chính xác, trung thực của số liệu. Từ năm 2022, 100% đơn vị cấp xã, Phòng Tư pháp, Sở Tư pháp đều áp dụng phần mềm báo cáo thống kê ngành Tư pháp khi xây dựng, kiểm tra, phê duyệt báo cáo. Do đó, việc kiểm tra tính chính xác, so sánh, đối chiếu số liệu giữa các kỳ báo cáo, các năm báo cáo được thực hiện thuận lợi hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh trong thực hiện công tác thống kê của ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tặng Bằng khen cho Sở về thành tích trong 10 năm thực hiện báo cáo thống kê ngành Tư pháp, giai đoạn 2011 - 2020.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác thống kê ngành Tư pháp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Một số đơn vị còn sai sót trong tổng hợp số liệu, số liệu thiếu chính xác, thiếu thống nhất giữa các kỳ báo cáo (như số liệu báo cáo năm thấp hơn báo cáo 6 tháng, số liệu tăng, giảm mạnh bất thường nhưng không có lý do,…), không đảm bảo về thời hạn, hình thức báo cáo, phải đôn đốc, chỉnh sửa nhiều lần, nhất là ở nhóm các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh (biểu 9c/BTP-PBGDPL) và tổ chức bổ trợ tư pháp, gây khó khăn cho Sở Tư pháp trong quá trình tổng hợp số liệu báo cáo. Khó khăn, hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau đây: Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê ngành Tư pháp; Khối lượng công việc ngành Tư pháp ngày càng tăng, thường xuyên phát sinh các nhiệm vụ đột xuất, nhiều vụ việc phức tạp, yêu cầu về chất lượng, tiến độ công việc ngày càng cao... trong khi đó, đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế về số lượng, phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Sở Tư pháp hiện nay còn thiếu 03/29 biên chế công chức được giao; Có 07/13 Phòng Tư pháp chỉ có 02 biên chế, 05 Phòng có 03 biên chế và 01 Phòng có 04 biên chế; Chỉ có 44/216 xã, phường, thị trấn bố trí được 02 công chức Tư pháp-Hộ tịch. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả triển khai các nhiệm vụ, trong đó có thực hiện chế độ báo cáo thống kê; Số lượng kỳ báo cáo thống kê còn nhiều, số biểu thống kê tương đối lớn; Trình độ công nghệ thông tin của một số cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch ở cấp xã còn hạn chế, ảnh hưởng đến tính chính xác trong quá trình tổng hợp báo cáo cũng như việc tiếp cận và sử dụng phần mềm;…

Để nâng cao chất lượng công tác thống kê của ngành trong thời gian tới, Sở Tư pháp đã đề xuất với Bộ Tư pháp một số giải pháp như: Tiếp tục nâng cấp Phần mềm thống kê ngành Tư pháp theo hướng giao diện thân thiện, dễ tiếp cận, tăng tốc độ truy cập, tự động phát hiện lỗi để cảnh báo người dùng kiểm tra số liệu, như: Số tiền chứng thực sao, chữ ký; số tiền chi cho vụ việc hòa giải thành;… Bổ sung tính năng tra cứu, tổng hợp số liệu giai đoạn theo từng trường thông tin; Liên kết với các phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp như Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp, Đăng ký và quản lý hộ tịch,…; Quan tâm tổ chức tập huấn chế độ báo cáo thống kê nói chung, việc sử dụng phần mềm thống kê nói riêng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê ở cơ sở;… Tại địa phương, Sở Tư pháp cũng đã triển khai một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thống kê của ngành như: Lồng ghép việc kiểm tra chất lượng, tính chính xác của số liệu thống kê thông qua kiểm tra công tác tư pháp, hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, hòa giải ở cơ sở, phổ biến, giáo dục pháp luật, cải cách hành chính,… ở cơ sở; Đưa nội dung về chất lượng, thời hạn thực hiện báo cáo thống kê vào Bộ tiêu chí chấm điểm thi đua các Phòng, Trung tâm thuộc Sở, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã hàng năm; Ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trước mỗi kỳ báo cáo;… Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng hoạt động thống kê với mục tiêu để hoạt động này thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước của ngành./.

Ngọc Anh

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Xác định được vai trò, tầm quan trọng của công tác thống kê đối với việc đánh giá khách quan, chính xác những kết quả, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ, từ đó hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển của địa phương, của ngành, nên trong những năm qua, ngành Tư pháp luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác này.