Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật

Ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024. Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét cho ý kiến, quyết nghị về nhiều nội dung quan trọng: Dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao; đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024…
Chính phủ đã nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng các dự án luật; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng luật; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đồng thời phân tích sâu các vấn đề quan trọng và còn có nhiều ý kiến khác nhau tại các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.

 

 Ghi nhận và đánh giá cao các bộ chủ trì đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, các đề nghị xây dựng luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát của các đồng chí thành viên Chính phủ và các đồng chí đại biểu tại phiên họp, đồng thời đề nghị các bộ nghiêm túc tiếp thu, giải trình. Thủ tướng cũng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các đồng chí Phó Thủ tướng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện các dự án, đề án theo phân công; trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Phát huy vai trò của người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế
Về chuẩn bị đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan trình các đề nghị xây dựng luật để trình Chính phủ xem xét, thông qua; tổng hợp đưa vào đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội.

Về việc chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 sắp tới, số lượng các dự án luật rất lớn, vì vậy nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo quy định.
Đối với 2 dự án luật, gồm dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 1/2024, giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng thời hạn.
Đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, giao Bộ Xây dựng khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung nguồn lực, có chế độ chính sách phù hợp với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; rút ngắn hơn nữa quy trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta; tăng cường truyền thông chính sách, nhất là truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.

Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, xử lý được các vấn đề đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua, các vấn đề mới chưa có quy định điều chỉnh; tăng cường năng lực phản ứng chính sách; bảo đảm quy trình, thủ tục đúng quy định.
Thủ tướng lưu ý thiết kế chính sách, quy định và diễn đạt bảo đảm rõ ý, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá; chú trọng lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp, người dân. Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau thì thiết kế các phương án cụ thể, nêu rõ quan điểm để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm; cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, không gây phiền hà, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, đại biểu HĐND tỉnh đã họp bàn, xem xét và thông qua 13 nghị quyết nhằm kịp thời xử lý các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Chiều ngày 3/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng làm việc với Tổ giúp việc về đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con của quê hương Hà Tĩnh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành, sự sáng tạo và cống hiến to lớn cho Đảng, cho cách mạng.
Ngày 8/4, tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm (gọi tắt là Chương trình) năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.
Chiều 26/3, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023”. Điểm cầu trung tâm ở Hà Nội do Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, tham gia hội nghị có 28 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Thực hiện Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an về trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự; Kế hoạch số 04/KH-HĐPH ngày 31/01/2024 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tư pháp chủ trì tổ chức Hội nghị ký kết Kế hoạch liên tịch thực hiện Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự và tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý, người tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.