Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hà Tĩnh triển khai điểm cầu thành phần trong tổ chức phiên tòa trực tuyến

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (TGPLNN) tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Tĩnh trong việc triển khai thực hiện phiên tòa trực tuyến. Trong đó Trung tâm xây dựng điểm cầu thành phần, cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia phiên tòa xét xử.

Trung tâm TGPLNN tỉnh Hà Tĩnh triển khai điểm cầu thành phần trong tổ chức phiên toà trực tuyến.

Trung tâm TGPLNN tỉnh Hà Tĩnh triển khai điểm cầu thành phần trong tổ chức phiên toà trực tuyến.

Sáng 25/5/2023, Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử công khai theo hình thức trực tuyến đối với 3 bị cáo gồm: Nguyễn Văn Hùng (SN 1981, trú xã Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh) bị truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý” 2 đồng phạm Đào Xuân Hải (SN 1992, trú xã Sơn Hồng, Hương Sơn) và Lê Bình Chung (SN 1988, trú xã Sơn Long, Hương Sơn) bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”.

Điểm cầu Trung tâm tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn. Các bị cáo tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần tại Trại Tạm giam Công an Hà Tĩnh. Điểm cầu thành phần tại Trung tâm TGPLNN Hà Tĩnh tham gia bào chữa cho bị cáo.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hà Tĩnh triển khai điểm cầu thành phần trong tổ chức phiên tòa trực tuyến ảnh 1

Ảnh chụp màn hình phiên tòa xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma tuý” và “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”.

Theo cáo trạng nêu rõ, trong thời gian từ 27/11/2022 đến 30/11/2022, Nguyễn Văn Hùng đã 2 lần bán trái phép chất ma tuý cho Đào Xuân Hải và Lê Bình Chung. Cụ thể, khoảng 10h ngày 27/11, Hùng đã bán trái phép 0,3600g heroin cho Đào Xuân Hải với giá 800.000 đồng. Đến 10h30 cùng ngày, Hải đang có hành vi tàng trữ số heroin nói trên để sử dụng thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang tại đường Tây Lĩnh Hồng (thôn 7, xã Sơn Lĩnh, Hương Sơn). Khoảng 10h ngày 30/11, Hùng bán trái phép 0,1789g heroin cho Lê Bình Chung với giá 200.000 đồng. Đến 11h cùng ngày, Chung đang có hành vi tàng trữ để sử dụng thì bị bắt quả tang tại đường liên thôn Công Đẳng (xã Sơn Phú, Hương Sơn).

Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Hùng, lực lượng chức năng phát hiện Hùng đang có hành vi tàng trữ trái phép 0,3720g heroin nhằm mục đích để sử dụng và bán lại kiếm lời. Tổng khối lượng ma tuý Hùng thực hiện mua bán là 0,9109g heroin. Đào Xuân Hải có hành vi tàng trữ trái phép 0,3600g heroin, Lê Bình Chung tàng trữ trái phép 0,1789g heroin.

Trước đó, bị cáo Nguyễn Văn Hùng từng bị TAND huyện Hương Sơn xử phạt 30 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”; bị UBND huyện Hương Sơn xử phạt hành chính về hành vi “Tàng trữ trái phép pháo nổ”. Đào Xuân Hải bị Công an huyện Hương Sơn xử phạt hành chính về hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Lê Bình Chung từng bị Toà phúc thẩm - TAND tối cao xử phạt 30 tháng tù về tội “Cướp tài sản”; bị TAND huyện Đức Thọ xử phạt 30 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; bị TAND thị xã Thuận An (nay là TP Thuận An, Bình Dương) xử phạt 36 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”; bị TAND huyện Thanh Chương (Nghệ An) xử phạt 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hà Tĩnh triển khai điểm cầu thành phần trong tổ chức phiên tòa trực tuyến ảnh 2

Đây là Trung tâm TGPLNN đầu tiên của cả nước triển khai điểm cầu thành phần trong tổ chức phiên toà trực tuyến.

Sau quá trình xét xử, căn cứ vào các quy định của pháp luật, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hùng 8 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”; Đào Xuân Hải 18 tháng tù, Lê Bình Chung 16 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”.

Theo ông Trần Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm TGPLNN tỉnh Hà Tĩnh: Đây là Trung tâm TGPLNN đầu tiên của cả nước triển khai điểm cầu thành phần trong tổ chức phiên toà trực tuyến. Việc tổ chức mở phiên tòa xét xử trực tuyến được thực hiện theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là hình thức xét xử mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng.

Phiên tòa xét xử trực tuyến đã tạo thuận lợi cho các bên tham gia, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp trong tình hình mới và thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Ngoài việc được phản ánh trong biên bản phiên tòa, toàn bộ quá trình xét xử được ghi âm, ghi hình và lưu trữ lại, tạo điều kiện cho tòa án và các cấp có thẩm quyền giám sát, theo dõi, các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo được đảm bảo đầy đủ như phiên tòa trực tiếp. Đảm bảo việc xét xử công khai, minh bạch, tôn trọng quyền con người và quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các vụ án.

Theo nguồn baophapluat.vn

 TIN TỨC LIÊN QUAN