Đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong vận hành chính quyền địa phương hai cấp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 30, HĐND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành thảo luận tại hội trường về các nội dung của kỳ họp, trong đó đại biểu tập trung các vấn đề còn vướng mắc trong vận hành chính quyền địa phương hai cấp.

Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp

Tham gia thảo luận, đại biểu Hồ Huy Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kỳ Xuân (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Kỳ Anh cũ) đề nghị HĐND tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, từng bước đưa bộ máy đi vào hoạt động ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa cấp tỉnh và cấp xã đối với tất cả các lĩnh vực; sớm có phương án bố trí đủ cán bộ cho các địa phương thiếu công chức, cán bộ sau vận hành hệ thống chính quyền cấp xã mới; có kế hoạch điều động, biệt phái giáo viên đối với các trường trên địa bàn các xã của vùng thượng Kỳ Anh cũ để đảm bảo cho năm học mới, đồng thời có giải pháp lâu dài để ổn định đội ngũ giáo viên trên địa bàn.

Đại biểu Hồ Huy Thành

Cho rằng một số chính sách hỗ trợ của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, tập trung tích tụ đất đai đã hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp khi thực hiện chính quyền hai cấp, đại biểu Hồ Huy Thành đề xuất cần sớm rà soát, đánh giá các chính sách giai đoạn 2021-2026 để sớm ban hành chính sách mới, mang tính đột phá, bố trí đủ nguồn lực để làm đòn bẩy cho các xã, nhất là các xã khu vực khó khăn.

Thay mặt Tổ đại biểu HĐND bầu tại huyện Đức Thọ cũ, đại biểu Thái Văn Sinh – Phó Trưởng ban VH-XH, HĐND tỉnh hoàn toàn nhất trí với báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025 do UBND tỉnh trình bày.

Đại biểu Thái Văn Sinh

Tuy vậy, đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp căn cơ, kịp thời trong thời gian tới. Liên quan đến vấn đề phát sinh từ việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, đại biểu bày tỏ băn khoăn đối với công tác tổ chức, cán bộ như khối lượng công việc tăng đột biến; nhiều địa phương đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực có chuyên môn sâu; yêu cầu cao hơn về năng lực và chuyên môn; vấn đề sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư.

Bên cạnh đó, nhiều xã sau sáp nhập có quy mô diện tích và dân số lớn nhưng trụ sở làm việc, trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, gây khó khăn trong giải quyết công việc và phục vụ người dân…

Đại biểu cũng cho rằng, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để các giải pháp này thực sự đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc quyết liệt, chủ động hơn nữa từ các sở, ngành. Bên cạnh vấn đề vĩ mô, cử tri rất quan tâm đến các vấn đề cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày liên quan đến hạ tầng giao thông và phòng chống thiên tai, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số ở cơ sở…

Đại biểu Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Cẩm Xuyên cũ) đề nghị tỉnh sớm cân đối, bố trí hài hòa công chức giữa các xã và từng lĩnh vực để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp hiệu quả; bố trí kinh phí nguồn ngân sách hợp lý giữa các xã, xem xét ưu tiên hỗ trợ cho nhóm xã địa bàn lớn, có nguồn thu nhập thấp, các xã vùng khó khăn.

Đại biểu Võ Thị Hồng Minh cũng đề xuất nhiều giải pháp phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, cần sửa đổi bổ sung, hướng dẫn thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách về nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên nhóm chính sách về giống; quan tâm đánh giá lại hiệu quả của cây có múi để có giải pháp phát triển; sản xuất rau màu theo hướng đặt hàng, liên kết; kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, đề xuất tỉnh ban hành các văn bản và có hướng dẫn cụ thể, triển khai đồng bộ để Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị sớm phát huy hiệu quả, quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt trên 8%.

Đại biểu Phạm Xuân Phú

Đồng tình cao với các nội dung báo cáo tại kỳ họp, đại biểu Phạm Xuân Phú - Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại địa phận huyện Hương Khê cũ), đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh hệ thống văn bản, các quy định để đảm bảo cho việc tổ chức, vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo thuận lợi, thông suốt.

Cần có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức hướng dẫn cho cấp xã, tránh ban hành quá nhiều văn bản của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chồng chéo, trùng lặp, vướng mắc khó thực hiện. Bổ sung nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số để thực hiện tốt chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Đại biểu Phạm Xuân Phú cũng đề nghị tỉnh xem xét lập mới, điều chỉnh các quy hoạch sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; xem xét, bổ sung đủ biên chế, đảm bảo chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu công việc.

Cũng bày tỏ những băn khoăn trong hạ tầng phục vụ hoạt động sau khi vận hành bộ máy cấp xã mới, đại biểu Trần Thị Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND xã Đồng Tiến (Tổ đại biểu bầu tại địa bàn TP Hà Tĩnh cũ) phản ánh thực trạng: nhiều xã phải bố trí làm việc tại 2 - 3 địa điểm khác nhau, gây khó khăn cho điều hành, phối hợp nội bộ và phục vụ Nhân dân. Nhiều trụ sở xuống cấp, thiếu nước sạch sinh hoạt; chưa đáp ứng yêu cầu về điều kiện làm việc và tiếp công dân…

Bên cạnh đó, về phân bổ và bố trí đội ngũ cán bộ sau sáp nhập còn khó khăn. Đại biểu kiến nghị tỉnh sớm có kế hoạch đầu tư hỗ trợ nâng cấp, bố trí trụ sở làm việc tập trung, cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt tối thiểu; ban hành hướng dẫn chi tiết về cơ cấu tổ chức bộ máy sau hợp nhất; chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, bố trí cán bộ hợp lý, ưu tiên bổ sung các vị trí thiết yếu và sớm ban hành quy định định biên, chức danh sau sáp nhập.

 

Đại biểu Lê Trung Phước

Liên quan đến giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm gắn với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, đại biểu Lê Trung Phước - Giám đốc Sở Công thương (Tổ đại biểu bầu tại thị xã Kỳ Anh cũ) đề nghị tập trung cao các giải pháp cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, chiến lược.

Trong đó, trước hết cần sớm triển khai lập, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống các quy hoạch phù hợp với quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt để tập trung cho công tác thu hút đầu tư theo chiến lược bền vững; hoàn thành đề án, quy hoạch mở rộng các khu kinh tế, khu công nghiệp; ưu tiên nguồn lực để xây dựng quỹ đất tái định cư GPMB chung các dự án trên địa bàn trước một bước; tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các khu đô thị, thương mại dịch vụ, xây dựng thành “đô thị công nghiệp” theo hướng thông minh, xanh.

Đại biểu Lê Thành Đông

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Thành Đông – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Bắc Hồng Lĩnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại TX Hồng Lĩnh cũ) đề xuất tỉnh sớm ban hành hướng dẫn và bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường GPMB đường sắt tốc độ cao; sớm có chỉ đạo về việc xác định các vùng kinh tế liên xã; xem xét hỗ trợ nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất 6 tháng cuối năm 2025 cho các phường, xã thanh toán trả nợ xây dựng cơ bản và tiếp tục đầu tư các công trình đang triển khai dở dang.

Đồng thời, chỉ đạo cụ thể và quyết liệt hơn trong việc phân cấp, giao quyền sử dụng các trụ sở, công sở công trên địa bàn, tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí. Về vấn đề địa phương, đại biểu Lê Thành Đông đề nghị tỉnh sớm ban hành quyết định thành lập cụm công nghiệp Cổng Khánh 3, phê duyệt quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Bắc Hồng Lĩnh và thực hiện các bước tiếp theo, tập trung thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp Cổng Khánh 1 và Cổng Khánh 2, tạo động lực tăng trưởng phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn – Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh (Tổ đại biểu bầu tại huyện Vũ Quang cũ) đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh có quyết sách táo bạo, quyết liệt hơn cho Hà Tĩnh. Trong đó, cần nâng cấp toàn diện KKT Vũng Áng, đặc biệt, xây dựng BQL KKT Vũng Áng như “một chính quyền kinh tế hiện đại” với cơ chế hoạt động linh hoạt, nguồn lực tương xứng cho Hà Tĩnh bứt tốc.

Kết thúc phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ đánh giá: Kỳ họp thứ 30 đã ghi nhận 8 ý kiến. Các đại biểu đã phản ánh kịp thời các vấn đề cử tri quan tâm và thực tiễn đặt ra, đồng thời bày tỏ sự đồng thuận cao với các nhận định, đánh giá của UBND tỉnh về kết quả trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm 2025. Đại biểu cũng tập trung phân tích, đánh giá những hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025 và cả nhiệm kỳ.

Theo Nguồn Báo Hà Tĩnh

 TIN TỨC LIÊN QUAN