Một số nội dung về tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính là một nhiệm vụ khá mới, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nói riêng, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số nói chung. Nhiệm vụ này được quy định cụ thể tại Quyết định số 31/2021/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

          Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ thì “Tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính là quá trình rà soát, đánh giá, thiết kế lại quy trình thực hiện thủ tục hành chính từ khâu tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả để tổ chức thực hiện trên môi trường điện tử bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, khả thi, hiệu quả dựa trên nguyên tắc lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền”.

          Tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính hướng đến 03 nhóm mục tiêu. Thứ nhất, tìm ra nguyên nhân các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp để hỗ trợ khắc phục; Thứ hai, số hóa, xây dựng Cơ sở dữ liệu chuyên ngành để quản lý dữ liệu điện tử, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, nhằm sử dụng dữ liệu điện tử thay thế; Thứ ba, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước và tăng cường tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.

          Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư số 01/2023/TT-VPCP, việc thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính nhằm đạt được một hoặc một số kết quả sau: 1) Cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết; 2) Giảm đi lại, tiếp xúc trực tiếp của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; 3) Giảm hồ sơ, giấy tờ cần cung cấp của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; 4) Giảm các bước phải xử lý trực tiếp hoặc thủ công của cơ quan, đơn vị trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

          Trình tự thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính được thực hiện theo 04 bước quy định tại khoản 2 Điều 26 Quyết định số 31/2021/QĐ-TTg. Cụ thể: Bước 1: Rà soát, đánh giá, xác định thủ tục hành chính phù hợp triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần và công bố danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hàng năm. Bước 2: Phân tích, đánh giá hiện trạng quy trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Bước 3: Xác định các hệ thống, cơ sở dữ liệu liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục hành chính và tổ chức rà soát, đánh giá khả năng kết nối,


chia sẻ dữ liệu, số hóa hồ sơ, giấy tờ, liên thông điện tử và hiệu quả, hiệu năng của hệ thống, làm cơ sở cắt giảm thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giấy tờ cần cung cấp, giảm đi lại, tiếp xúc trực tiếp của đối tượng thực hiện và giảm các bước phải xử lý trực tiếp hoặc thủ công của cơ quan, đơn vị trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Bước 4: Đánh giá hiệu quả và phê duyệt phương án tái cấu trúc để thực hiện việc xây dựng hoặc hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ công.

          Tiêu chí thực hiện tái cấu trúc quy trình, gồm: Khả năng kết nối, chia sẽ dữ liệu và số hóa hồ sơ, giấy tờ; Khả năng liên thông điện tử giữa các cơ quan trong quá trình xem xét, giải quyết thủ tục hành chính; Hiệu quả của việc xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hiệu năng đáp ứng của hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

          Cách thức tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, gồm 05 bước. Theo đó, bước 1: Xác định các hệ thống, cơ sở dữ liệu liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục hành chính và khả năng kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu. Bước 2: Đánh giá cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ, quy trình, trình tự thực hiện thủ tục hành chính theo các tiêu chí tái cấu trúc. Bước 3: Xây dựng sơ đồ quy trình điện tử. Bước 4: Tính toán chi phí tiết kiệm. Bước 5: Xây dựng/hoàn thiện hệ thống, tích hợp, kiểm thử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nội dung kiểm thử bao gồm: Kiểm tra cơ chế đăng nhập một lần; Thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến; Kiểm tra tích hợp thanh toán trực tuyến; Kiểm tra việc xử lý hồ sơ trực tuyến, việc đồng bộ trạng thái hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử; Tổng hợp kết quả kiểm thử.

          Tùy thuộc theo yêu cầu, việc tái cấu trúc quy trình được thực hiện theo từng thủ tục hành chính hoặc theo nhóm thủ tục hành chính liên thông. Trên cơ sở kết quả tái cấu trúc, cơ quan chủ trì rà soát, đánh giá tiến hành hoàn thiện quy trình điện tử sau khi tái cấu trúc quy trình để cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì rà soát tổng hợp, đề xuất hoặc thực hiện theo thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý đáp ứng tối đa các kết quả theo quy định tại khoản 1 Điều 17 khi cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

            Để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nói chung, đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nói riêng, trong những năm gần đây, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, thị xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức tập huấn hướng dẫn để triển khai nội dung tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính. Thực hiện nhiệm vụ tại Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình và trình UBND tỉnh công bố Danh mục và quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến toàn trình; Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trực tuyến một phần trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đã thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình để thực hiện trên môi trường điện tử đối với 122 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, 42 thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã.

          Mặc dù đã tăng cường công tác chỉ đạo triển khai, song nhìn chung kết quả tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính tại địa phương chưa đạt như kỳ vọng đặt ra, khá nhiều thủ tục hành chính hiện nay mới đơn thuần chỉ đổi từ bản giấy sang điện tử mà chưa thực hiện tái cấu trúc quy trình (ví dụ: Tại một số TTHC trực tuyến vẫn yêu cầu thành phần hồ sơ ảnh 3x4, phong bì có dán tem, ký vào Sổ khi nhận kết quả,…), gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân cũng như cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ trong quá trình thực hiện. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tại nhiều đơn vị, địa phương. Để tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính thực sự trở thành giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trên địa bàn tỉnh, xin đề xuất một số biện pháp như sau:

          Một là, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn công tác tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đội ngũ trực tiếp tham mưu công tác này như cán bộ kiểm soát thủ tục hành chính, cán bộ tiếp nhận và trả kết quả, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin.

          Hai là, tập trung rà soát đánh giá, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên lựa chọn những thủ tục, nhóm thủ tục hành chính gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Tăng cường kiểm soát chất lượng quy trình nội bộ đã được tái cấu trúc của các cơ quan, đơn vị.

          Ba là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các Sở, ban, ngành có liên quan đến việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt trong việc kiểm soát chất lượng quy trình nội bộ đã được tái cấu trúc, xây dựng biểu mẫu tương tác điện tử sau khi tái cấu trúc quy trình, vận hành hệ thống “Một cửa” dùng chung của tỉnh,…

          Bốn là, tiếp tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu cách thức thực hiện trực tuyến đối với một số thủ tục có yêu cầu thành phần hồ sơ không số hóa được, như: ảnh chân dung (để dán vào thẻ, văn bằng,…), phong bì thư dán tem, ghi địa chỉ,…; yêu cầu ký vào sổ khi nhận kết quả (như các thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch,…);…

          Năm là, nghiên cứu cơ chế để hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị trong việc gửi tin nhắn SMS cho các tổ chức, cá nhân để phản hồi thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, vì trong một số trường hợp tổ chức, cá nhân không thường xuyên sử dụng tài khoản dịch vụ công, không sử dụng mạng xã hội./.

Ngọc Anh

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 01/4/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, đánh giá, thẩm định công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2024 kèm theo Quyết định số 762/QĐ-UBND.
Trên cơ sở Kế hoạch số 19/KH-SKHCN ngày 05/01/2024 của Sở Khoa học và Công nghệ về việc xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo TCVN ISO 9001: 2015 trên địa bàn tỉnh năm 2024, ngày 24/01/2024, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-STP về xây dựng và áp dụng TCVN ISO 9001: 2015 tại cơ quan Sở và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính là một nhiệm vụ khá mới, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nói riêng, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số nói chung. Nhiệm vụ này được quy định cụ thể tại Quyết định số 31/2021/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã nỗ lực gắn kết với chuyển đổi số quốc gia theo hướng số hóa, tái sử dụng dữ liệu; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp; cơ chế, chính sách, quy định trong thực hiện thủ tục hành chính tiếp tục được hoàn thiện; dịch vụ công trực tuyến tăng cả về số lượng và chất lượng; việc số hóa, chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử và tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đều có chuyển biến tích cực so với năm 2022. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định; một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện còn phức tạp, không đơn giản, thuận lợi; việc tăng số lượng hồ sơ trực tuyến ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực chất; số hóa, tái sử dụng kết quả số hóa ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa đạt yêu cầu; năng suất lao động chưa được cải thiện; việc phối hợp trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính còn chưa hiệu quả; chưa kịp thời tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp,... Những tồn tại, hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Trong năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Sở Tư pháp tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua 09 tháng triển khai thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại các cuộc kiểm tra CCHC của tỉnh, của Sở trong năm 2022, năm 2023 chưa được khắc phục triệt để, như: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC; Việc tham mưu, xây dựng ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực quản lý (theo phân cấp, thuộc phạm vi quản lý của địa phương); Tỷ lệ tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở; Việc thực hiện quy trình ban hành văn bản trên môi trường điện tử; Việc bảo vệ an toàn thông tin tài khoản người dùng khi sử dụng các phần mềm dùng chung;…
Ngày 21/9/2023, UBND tỉnh đã có Thông báo số 409/TB-UBND về việc đưa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Tĩnh vào sử dụng trên cơ sở hợp nhất Hệ thống một cửa điện tử các đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.