Tập trung khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính

Để tập trung xử lý dứt điểm các nội dung tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao điểm số, thứ hạng trên Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đồng thời nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ngày 19/8/2024, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 4787/UBND-NC1 chỉ đạo thực hiện các nội dung này.

 

Công chức Sở Tư pháp hướng dẫn người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm

Phục vụ hành chính công tỉnh. Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh chỉ đạo, đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị nghiêm túc thực hiện 04 nhóm nhiệm vụ, bao gồm:

(1) Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định TTHC khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ ban hành TTHC trong trường hợp thật sự cần thiết phục vụ quản lý nhà nước, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh trên địa bàn tỉnh.

(2) Tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

(3) Rà soát các TTHC theo ngành, lĩnh vực (cấp tỉnh, huyện, xã) đã cấu hình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

(4) Căn cứ các Quyết định công bố TTHC của các Bộ, ngành, Văn bản QPPL có quy định TTHC của Tỉnh có hiệu lực pháp luật: (i) trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, các cơ quan, đơn vị phải dự thảo Quyết định công bố Danh mục TTHC (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và trình UBND tỉnh công bố theo quy định; (ii) trong thời gian 20 ngày làm việc, kể từ ngày UBND tỉnh công bố Danh mục TTHC, các cơ quan, đơn vị tham mưu dự thảo Quyết định phê duyệt Quy trình nội bộ TTHC (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) gửi Sở Khoa học và Công nghệ cho ý kiến và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ngoài các nhiệm vụ nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, thuộc đơn vị và các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

(1) Tổ chức kiện toàn Bộ phận một cửa, triển khai Bộ nhận diện thương hiệu, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

(2) Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC: 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn; 100% các hồ sơ TTHC được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.

(3) Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết TTHC, dịch vụ công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo đúng quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra các yêu cầu, thành phần hồ sơ không đúng quy định hoặc gây phiền hà, để chậm, muộn nhiều lần. 100% hồ sơ TTHC để chậm, muộn đều phải có báo cáo giải trình lý do với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân, doanh nghiệp.

(4) Đối với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân: Yêu cầu bộ phận một cửa phải thực hiện nghiêm túc các nội dung: (i) Đối với hồ sơ TTHC được nộp trực tuyến: Phải thực hiện kiểm tra hồ sơ để tiếp nhận hoặc yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung không được muộn hơn 08 (tám) giờ làm việc kể từ khi hệ thống tiếp nhận; (ii) Số hóa đầy đủ thông tin, thành phần hồ sơ TTHC để phục vụ tái sử dụng khi cá nhân, tổ chức đi thực hiện TTHC khác; (iii) điền đầy đủ thông tin vào tất cả các trường trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; (iv) nghiêm túc việc cập nhật thông tin, luân chuyển hồ sơ trong các bước theo quy trình điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, nghiêm cấm việc để quá hạn phân kỳ hoặc kết thúc quy trình khi hồ sơ chưa được giải quyết; (v) 100% kết quả giải quyết TTHC được cung cấp bản điện tử có giá trị pháp lý (Văn bản điện tử của đơn vị), không yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa; (vi) tăng cường hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện thanh toán phí, lệ phí thực hiện TTHC (nếu có) bằng hình thức trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia để nâng cao tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí trên nền tảng Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

(5) Thường xuyên đăng nhập Hệ thống phản ánh, kiến nghị https://pakn.dichvucong.gov.vn để xử lý và trả lời các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, đồng thời báo cáo UBND tỉnh để công khai trên Hệ thống theo đúng quy định.

Đối với Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh giao thực hiện nghiêm túc việc thẩm định quy định TTHC khi ban hành văn bản QPPL theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm triển khai thực hiện và báo cáo kết quả đạt được về UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh) theo báo cáo định kỳ hàng tháng về công tác kiểm soát TTHC./.

                                                                                    Ngọc Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN