Nâng cao công tác phổ biến pháp luật trong hoạt động công chứng

Phổ biến pháp luật được thực hiện trong rất nhiều lĩnh vực trong đời sống trong đó có hoạt động công chứng. Theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật Công chứng 2014 “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.

Như vậy có thể thấy rằng đặc trưng cơ bản nhất của hoạt động công chứng đó chính là việc công chứng viên thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng (người yêu cầu công chứng) nhằm làm sáng tỏ tính xác thực và tính hợp pháp của các giao dịch mà khách hàng yêu cầu công chứng. Quá trình hành nghề của công chứng viên, đòi hỏi công chứng viên luôn phải trao đổi, giao tiếp kết hợp cùng các kỹ năng hành nghề khác nhằm tạo ra các văn bản công chứng một cách chất lượng, chính xác. Đây chính là điều kiện thuận lợi để công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ trong tổ chức hành nghề lồng ghép, thực hiện công tác phổ biến pháp luật thường xuyên, hiệu quả hơn.

Để tiếp tục tăng cường công tác phổ biến pháp luật trong hoạt động công chứng, các công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ tại các tổ chức hành nghề công chứng có thể thực hiện một số cách thức sau:

 Thứ nhất: Phổ biến pháp luật thông qua hoạt động tiếp xúc trực tiếp đối với khách hàng.

Việc thường xuyên được tiếp cận người dân với tư cách là khách hàng - người yêu cầu công chứng một cách trực tiếp, tạo điều kiện cho các công chứng viên cũng như nhân viên nghiệp vụ trong tổ chức hành nghề công chứng dễ dàng hơn trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn, giải thích cho cá nhân, tổ chức đến yêu cầu công chứng những quy định của pháp luật. Đồng thời giúp khách hàng hiểu rõ quyền và nghĩa vụ, địa vị pháp lý của mình khi thực hiện giao kết hợp đồng giao dịch, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức được hậu quả pháp lý cho người dân, góp phần giảm thiểu rủi ro, tranh chấp, thiệt hại cho các bên. Ngoài ra, khi tiếp cận trực tiếp với người dân như vậy, những người hoạt động trong nghề có thể lắng nghe được những suy nghĩ, mong muốn của người dân đối với các quy định, chính sách của pháp luật nói chung và lĩnh vực công chứng nói riêng.

Có thể lấy ra một ví dụ thực tế, một số trường hợp người dân đến để yêu cầu thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức lập văn bản uỷ quyền để nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được công chứng viên cũng như chuyên viên nhận hồ sơ giải thích đầy đủ về sự khác nhau giữa hình thức hợp đồng uỷ quyền và hợp đồng chuyển nhượng, bản chất, rủi ro và hậu quả pháp lý của từng loại hợp đồng giao dịch thì các bên đã thay đổi thay vì giao kết hợp đồng ủy quyền thì chuyển sang thực hiện giao kết hợp đồng chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật. Điều này thể hiện được vai trò quan trọng của nghề công chứng, đồng thời việc giải thích quyền, nghĩa vụ và hậu quả pháp lý của hợp đồng giao dịch không những là trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên mà còn là phương pháp để thực hiện phổ biến pháp luật cho người dân.

Mặt khác, tại một số khu vực có kinh tế, vị trí đặc thù, người dân khó khăn trong việc tiếp nhận được dịch vụ tư vấn pháp luật từ các đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý, bằng sự uy tín của lĩnh vực công chứng thì người dân cũng có thể qua tổ chức hành nghề công chứng gần nhất để được tư vấn pháp lý trong phạm vi hiểu biết mà công chứng viên, chuyên viên có thể trợ giúp được. Bởi hoạt động công chứng đòi hỏi công chứng viên cũng như nhân viên nghiệp vụ phải hiểu rõ và nắm bắt được nhiều quy định pháp luật như luật hôn nhân gia đình, luật dân sự, luật thương mại, luật kinh doanh bất động sản, luật đất đai, luật nhà ở, các bộ luật tố tụng, các chế định thừa kế …

Thứ 2: Phổ biến pháp luật thông qua các bài viết đăng trên diễn đàn, website, sách báo, tạp chí, phượng tiện thông tin cũng như mạng xã hội.

Đây cũng là một trong những cách thức mà thường được thực hiện trong hoạt động công chứng. Trong lĩnh vực “hoạt động công chứng” trên các trang diễn đàn, mạng xã hội, những người hoạt động trong nghề cũng tham gia đóng góp nhiều quan điểm, ý kiến, bình luận, đưa ra cách tháo gỡ… nhằm giải đáp các thắc mắc của người dân, giải quyết các vấn đề khó khăn trong thực tiễn khắp nơi trong cả nước từ các tình huống thực tế có trên diễn đàn. Một số công chứng viên hành nghề lâu năm, với những kiến thức cũng như kinh nghiệm có được, đã có những bài viết pháp luật đăng lên các phương tiện thông tin, sách báo, tạp chí. Qua đó gián tiếp thực hiện phổ biến pháp luật cho nhân dân, đồng thời trau dồi kiến thức, kỹ năng, chuyên môn của chính các công chứng viên cũng như nhân viên nghiệp vụ trong các tổ chức hành nghề công chứng.

Thứ 3: Phổ biến pháp luật trong việc góp ý hoàn thiện các văn bản pháp luật, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan ban ngành, tổ chức có liên quan để trao đổi thông tin, thực hiện các vấn đề liên quan trong hoạt động công chứng nếu có yêu cầu.

Trong quá trình làm việc cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật về chuyên môn nghiệp vụ. Các công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ thông qua tổ chức hành nghề công chứng của mình, hội công chứng viên các tỉnh, hiệp hội công chứng viên toàn quốc đã đóng góp tích cực, xây dựng các ý kiến để hoàn thiện các dự thảo luật có liên quan nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, văn bản dưới luật để đúng với thực tiễn, phù hợp với lợi ích của nhà nước cũng như hài hoà với lợi ích hợp pháp của người dân, tạo nên sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Đồng thời sẵn sàng phối hợp, cung cấp các thông tin cần thiết trong hoạt đông công chứng cho các cơ quan đơn vị liên quan. Vừa phổ biến, tuyên truyền pháp luật vừa tăng cường tính hiệu quả chính xác trong công việc hành chính của nhau.

Hoạt động công chứng đóng góp nhiều và thiết thực cho công cuộc phổ biến pháp luật cho người dân. Vì vậy, những người đang hoạt động trong lĩnh vực công chứng trong đó quan trọng nhất là các công chứng viên, bằng kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp của mình cần phải luôn luôn nhận thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ phổ biến pháp luật, thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Từ đó vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước đề ra.

Văn Tiến

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Phổ biến pháp luật được thực hiện trong rất nhiều lĩnh vực trong đời sống trong đó có hoạt động công chứng. Theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật Công chứng 2014 “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.