Cách xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã

         Thứ nhất, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy ban nhân dân cấp xã có 02 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

 

          Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không quá 5.000.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 10.000.000đ); tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền 5.000.000đ đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 10.000.000đ); áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

          Trưởng Công an cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không quá 2.500.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 5.000.000đ); tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2.500.000đ đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 5.000.000đ); áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

          Thứ hai, nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.       

 

          Thẩm quyền phạt tiền của người có thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

 

          Ví dụ: Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối vớihành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”. Hành vi này thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội. Trong trường hợp này cách xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như sau:

 

          Theo điểm b khoản 1 Điều 67 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất của hành vi vi phạm trên là 5.000.000đ, vậy đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP không thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi tham mưu xử phạt vi phạm hành chính cần lưu ý để chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cao hơn xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.

 

          Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện. Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:

 

          - Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

 

          - Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

 

          - Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

 

          Thứ ba, cách áp dụng mức phạt tiền. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

 

          Ví dụ: Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp tài sản”. Cách áp dụng mức phạt tiền như sau: 

 

            - Nếu không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì mức xử phạt là 1.500.000đ;

 

         - Nếu có một trong các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt áp dụng mức xử phạt từ 1.000.000đ đến dưới 1.500.000đ.

 

          - Nếu có một trong các tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt áp dụng mức xử phạt trên 1.500.000đ đến 2.000.000đ.

 

          Khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải nêu rõ các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được quy định cụ thể tại Luật và các Nghị định chuyên ngành trong quyết định để có căn cứ áp dụng mức xử phạt tương ứng.

 

          Từ những vấn đề đã nêu ở trên, tác giả mong muốn trong thời gian tới việc xác định thẩm quyền xử phạt và áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cơ sở sẽ được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Và đặc biệt là công tác xử lý vi phạm hành chính sẽ ngày càng đạt kết quả cao hơn./.

 

Quang Lý 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN