Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống xâm hại trẻ em

        Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội, gây hoang mang, bất bình trong quần chúng Nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh và trật tự xã hội tại địa phương.

        Theo thống kê từ ngày 15/12/2020 đến ngày 15/11/2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ, xâm hại 21 trẻ em, làm chết 01 cháu, gây thương tích 1 cháu, rối loạn tâm thần 1 cháu và hậu quả khác 18 cháu. Trong đó, hiếp dâm người dưới 16 tuổi: 03 vụ; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi: 06 vụ; dâm ô với người dưới 16 tuổi: 5 vụ; giết người: 02 vụ; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: 03 vụ; mua dâm người dưới 18 tuổi: 01 vụ.

        Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh và là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, thời gian qua, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương triển khai, thực hiện PBGDPL về trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản liên quan đến trẻ em như: Hiến pháp; Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em; Bộ Luật Hình sự; Luật Trẻ em; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình;…

        Hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được Sở Tư pháp thực hiện phong phú, đa dạng như: tổ chức hội nghị, thi tìm hiểu pháp luật, Cổng, trang thông tin điện tử, Bản tin Tư pháp, Truyền thanh - Truyền hình, hệ thống facbook, in ấn tài liệu tờ rơi, tờ gấp… đã đăng tải hàng trăm tin, bài trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp và trên các phương tiện thông tin đại chúng; in ấn, phát hành 04 số Bản tin Tư pháp Hà Tĩnh; chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện 01 Chương trình pháp luật và Đời sống với nội dung giới thiệu quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, Sở cũng đã tập trung xây dựng, tập hợp đề cương, tài liệu để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến và đạt được kết quả cao. Tư pháp cấp huyện, cấp xã cũng đã chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức PBGDPL về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương, đã tổ chức hơn 500 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp với hàng trăm lượt người tham gia. Công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi cũng được chỉ đạo triển khai thực hiện đạt hiệu quả tích cực. Theo thống kê số liệu của các huyện, thành phố, thị xã trong năm có 35 trường hợp được nhận làm con nuôi trong nước; 05 trường hợp được nhận làm con nuôi nước ngoài. Việc đăng ký nuôi con nuôi về cơ bản được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp nhận nuôi con nuôi đều thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nên các trẻ em đều được phát triển bình thường, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, chưa phát hiện trường hợp con nuôi bị xâm hại.

        Ngoài ra, Sở cũng đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 22 người thuộc diện trợ giúp pháp lý là trẻ em và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (xâm hại tình dục 17 vụ việc; xâm phạm sức khỏe, tính mạng 4 vụ việc, xâm phạm tài sản 1 vụ việc), thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em, đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng trăm lượt người tham dự.

        Thời gian tới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cần chú trọng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lồng ghép trong các hoạt động xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động thể thao nhân các ngày lễ lớn tại các địa đơn vị, địa phương; đa dạng hóa hình thức tổ chức, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, làm cho cán bộ và Nhân dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác gia đình trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thường xuyên nêu gương tốt, gương mẫu và phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi bạo hành trong gia đình; phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cho trẻ em, đặc biệt là trong các trường học, nhất là phổ biến cho các em hiểu được quy định mới của pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm…

        Với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, hi vọng trong thời gian tới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực./.

Kim Oanh

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN