Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền”

        

        Tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1948, Bác đã có thư gửi đến hội nghị, Bác viết:   “…Công việc tư pháp cũng như mọi công việc khác là càng làm ta càng tiến bộ, nhưng càng tiến bộ ta càng thấy rõ những sự trở ngại và những khuyết điểm nó còn sót lại. Và ta phải càng cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và khuyết điểm ấy.

        Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân.

        … Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung cho cả tư pháp và hành chính.

        Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo…”.

Năm 1950, trực tiếp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc, Người nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của pháp luật:

        “… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động…Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Nhân dân ta hiện nay có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”.

        Bác căn dặn:  “… Chúng ta cũng thấy luật pháp của ta hiện nay chưa đầy đủ. Chính các chú có trách nhiệm phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.

        … Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ …

        Tóm lại, các chú phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

        Tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1957, Bác lại nhắc nhở cán bộ Tư pháp chúng ta về nhiệm vụ công tác và đặc biệt là về tinh thần đoàn kết: “…Trong nhiệm vụ chung đó, tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta.

        … Muốn thực hiện nhiệm vụ ấy, cần chú ý mấy điểm:

        Nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân. Đoàn kết tức là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết. Cho nên ngành tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thật sự, muốn đoàn kết thật sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình tự phê bình…”.

        Có thể nói, lời Bác dạy theo thời gian vẫn còn tươi nguyên những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức Tư pháp chúng ta hôm nay càng thấm thía hơn những lời dạy của Người dành cho ngành Tư pháp, và qua đó càng ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình, của ngành Tư pháp trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.

 TIN TỨC LIÊN QUAN