Công tác Tư pháp góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Phóng viên Bản tin Tư pháp Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Ông Lê Thành Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy về bước phát triển của ngành Tư pháp Hà Tĩnh.
PV: Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ án trọng điểm, khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp kéo dài, tuy nhiên ở Hà Tĩnh số lượng các vụ việc như vậy ít và đều được giải quyết nhanh gọn, chính xác, có tác dụng giáo dục cao. Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ông có đánh giá như thế nào về vai trò của Tư pháp tỉnh nhà trong việc này?
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long: Thời gian qua, công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, Đảng viên về vai trò hoạt động tư pháp, sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có nhiều tiến bộ. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp từng bước được kiện toàn, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ. Chất lượng hoạt động tư pháp được nâng lên, việc tranh tụng tại Tòa bước đầu đạt được kết quả tích cực. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, luật sư, bổ trợ tư pháp có chuyển biến rõ nét… . Để đạt được những kết quả này, tôi cho rằng đó là sự nỗ lực rất lớn của các ngành: Tư pháp, Công an, Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án dân sự, ...Ở đây tôi chỉ đơn cử vai trò của ngành Tư pháp trong việc góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, hiệu quả hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp và công tác kiểm soát thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Trước hết, với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnhvề chiến lược, các chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản QPPL, tư vấn về chính sách, thẩm định, kiểm tra chất lượng văn bản QPPL. 770 Nghị quyết, 290 Quyết định và 47 Chỉ thị của HĐND, UBND các cấp ban hành trong năm qua cho thấy khối lượng rất lớn công việc soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL mà ngành Tư pháp Hà Tĩnh đã thực hiện. Việc thực hiện tốt công tác này đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống cơ chế chính sách của tỉnh, phòng ngừa, phát hiện các vi phạm nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các văn bản QPPL cũng như đảm bảo tính định hướng, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, minh bạch và ổn định tương đối của hệ thống thể chế tỉnh nhà, tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Hai là,để văn bản sau khi ban hành có hiệu lực, hiệu quả, với vai trò là Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan Tư pháp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời công tác này trên địa bàn tỉnh. Nhờ thế, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai mạnh mẽ, phát huy hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, gắn kết với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân; bám sát các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, các sự kiện chính trị của đất nước, địa phương, tạo nên ý nghĩa chính trị-pháp lý rõ nét, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, duy trì trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đặc biệt, trong năm, ngành Tư pháp đã đồng hành cùng các cấp chính quyền tổ chức tuyên truyền nhiều văn bản pháp luật quan trọng để phục vụ triển khai nhiều dự án, chương trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Công chứng, …. Bên cạnh đó Tư pháp cấp tỉnh còn cho ý kiến pháp lý và tham gia rà soát quy trình, hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng ở các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Nhờ đó đã góp phần đưa các dự án triển khai đúng tiến độ, đem lại hiệu quả cao, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Ba là hoạt động trợ giúp pháp lý hướng mạnh về cơ sở, giải đáp các lĩnh vực pháp luật liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người dân; phát triển hệ thống dịch vụ pháp lý với nhiều văn phòng luật sư để đưa pháp luật đến với các tổ chức, người dân có nhu cầu, giúp họ biết sử dụng công cụ pháp luật để tổ chức làm kinh tế một cách an toàn, hiệu quả, phòng tránh, xử lý những rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh, lập nghiệp cũng như trong đời thường của mỗi người, mỗi gia đình, góp phần duy trì và củng cố trật tự xã hội trong quá trình phát triển.
Vấn đề thứ tư chính là đã thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng, luật sư, giám định tư pháp và bán đấu giá tài sản. Đặc biệt,chất lượng đội ngũ luật sư không ngừng được nâng lên, tính chuyên nghiệp trong hoạt động luật sư đã được khẳng định. Đã có nhiều vụ án có tính chất phức tạp được các luật sư bào chữa, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của các luật sư trong đời sống kinh tế - xã hội.
Năm là, ngành Tư pháp cũng đã quan tâm đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với những chuyên đề sát, đúng, trúng với nhu cầu của các doanh nghiệp phát triển kinh tế-xã hôi đặc biệt là các lĩnh vực pháp luật về hợp đồng, đầu tư trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư tại Hà Tĩnh. Đồng thời chú trọng công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
PV:Có thể thấy rằng công tác tư pháp đã góp phần quan trọng đối với công tác cải cách tư pháp và việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Vậy, theo Ông nguyên nhân nào đã góp phần đưa đến những thành công trên?
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long: Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, trước hết là trong nhận thức, ở tỉnh ta, Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn xác định công tác tư pháp là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của không chỉ riêng ngành Tư pháp mà còn của cả hệ thống chính trị. Xác định được điều đó nên, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với mọi nhiệm vụ công tác tư pháp. Đồng thời, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã có nhiều đổi mới trong phương thức quản lý, chỉ đạo điều hành và tạo điều kiện để ngành Tư pháp tham gia sâu, rộng, ngay từ đầu một số các hoạt động phát triển kinh tế xã hội cũng như cho ý kiến chỉ đạo để ngành Tư pháptháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, ngành Tư pháp đã bám sát, tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ công tác tư pháp phù hợp với chỉ đạo của Bộ Tư pháp và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; biết phát huy các nguồn lực sẵn có và tăng cường mối quan hệ phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng với các cấp, các ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành. Đồng thời hướng mạnh công tác tư pháp về cơ sở để giải quyết kịp thời, dứt điểm khó khăn, vướng mắc.
PV: Trong thời gian tới, ông có mong muốn như thế nào đối với công tác cải cách tư pháp nói chung và hoạt động của ngành Tư pháp nói riêng?
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long: Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của ngành Tư pháp. Trên cơ sở kết quả đạt được và những hạn chế trong năm qua, năm 2015 và những năm tiếp theo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định cải cách tư pháp, cải cách hành chính là hai khâu quan trọng, tạo ra chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp và của cả Nhân dân nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Để triển khai thực hiện hai nhiệm vụ này cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, chú ý việc tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng, xã hội thông qua xét xử lưu động, thi hành án; nâng cao hoạt động của các cơ quan tư pháp trên tất cả các lĩnh vực để tránh oan sai, lọt tội, khắc phục tình trạng hình sự hóa, hành chính hóa trong xem xét vụ án; tiếp tục củng cố, kiện toàn cơ quan tư pháp các cấp; tăng cương đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các cơ quan tư pháp; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của đảng đối với các cơ quan tư pháp; tập trung, quyết liệt đẩy mạnh việc cải cách thể chế, kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý nhà nước đối với các tổ chức bổ trợ tư pháp, xem đây là khâu mang tính đột phá góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời đề ra nhiều mô hình hoạt động công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý có hiệu quảvà tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật.
Trong thời gian tới, tôi mong muốn và kỳ vọng công tác cải cách tư pháp nói chung, công tác tư pháp nói riêng đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, vị thế của ngành Tư pháp trong xã hội tiếp tục được khẳng định và nhân dân ngày càng tin tưởng vào các cơ quan Tư pháp. Các hoạt động của ngành Tư pháp sẽ có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của tỉnh nhà.
Với truyền thống 70 năm phát triển, có những bước trưởng thành lớn mạnh về tổ chức bộ máy, kinh nghiệm côngtác và uy tín trong xã hội của ngành Tư pháp. Đây thực sự là những căn cứ thực tế để chúng ta hoàn toàn tin tưởng ngành Tư pháp nói chung, Tư pháp Hà Tĩnh nói riêng sẽ đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa để trở thành điểm sáng của ngành Tư pháp toàn quốc trong thời gian tới, xứng đáng là cơ quan trọng yếu của chính quyền các cấp.
Xin trân trọng cảm ơnÔng!
Quốc Tuấn(thực hiện)