Hoàn thiện thể chế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025

 

Đánh giá về những kết quả đã đạt được, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Việc thực hiện tốt chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định, thu hút đáng kể nguồn nhân lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo nhất là phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đến nay, ở các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở; 1,35 triệu học sinh, sinh viên; tạo ra gần 100 nghìn việc làm cho nhà giáo, người lao động. Sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập từ nguồn xã hội đã góp phần thúc đẩy việc áp dụng những cách tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo trong thực tiễn thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, hạn chế như: Tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập còn rất thấp so với tiềm năng, chưa huy động được sự tham gia rộng rãi, đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và đội ngũ tri thức Việt kiều; Việc thu hút các nguồn lực của xã hội vào các cơ sở giáo dục và đào tạo còn tiến triển chậm, việc thực hiện cơ chế tự chủ mới bước đầu triển khai ở lĩnh vực giáo dục đại học, hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân với các sơ sở giáo dục công lập còn đơn lẻ, không tạo sự đột phá trong toàn hệ thống.

 

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nói trên trước hết thuộc về nhận thức của các cấp quản lý,  của người học và xã hội. Còn phổ biến tâm lý coi trọng, tin tưởng trường công hơn trường tư, tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước cấp còn phổ biến…Bên cạnh đó, mặc dù các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn vốn đã được ban hành tương đối đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn, tuy nhiên, khâu triển khai thực hiện chính sách đã ban hành vẫn chưa đạt hiệu quả.

 

Nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, ngoài yêu cầu về hoàn thiện thể chế, Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện tốt các giải pháp đó là: Cải thiện môi trường đầu tư; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập; Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; … Chính phủ giao UBND cấp tỉnh phải thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau:

 

Một là, xây dựng kế hoạch, lộ trình để thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục tại địa phương; ưu tiên lồng ghép các vấn đề xã hội hóa, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp điều kiện, mức độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của người dân tại địa phương;

 

Hai là, thực hiện và rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng; không tiếp tục phát triển mở rộng các cơ sở giáo dục công lập mà cần đầu tư có trọng điểm, dành ngân sách nhà nước cho các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc một số cơ sở giáo dục trọng điểm; tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao; đẩy mạnh tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục công lập với lộ trình phù hợp cho từng cấp học; chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập;

 

Ba là, thực hiện bố trí quỹ đất dành cho giáo dục, chú trọng bảo đảm giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư; thực hiện bồi hoàn thỏa đáng cho những nhà đầu tư đã ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xã hội hóa theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời xác nhận ưu đại thuế (kể cả trong và sau thời gian xây dựng); xử lý nhanh chóng, kịp thời các kiến nghị của nhà đầu tư;

 

Bốn là, có giải pháp cụ thể hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ tài chính, tổ chức bồi dưỡng quản lý, chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lý cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non tại các địa phương đông dân, khu công nghiệp, khu chế xuất) từ nguồn ngân sách địa phương, phù hợp với khả năng huy động của ngân sách và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

 

Năm là, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các co quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục;

 

Sáu là, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng các yêu cầu về công khai mức học phí, công khai tài chính và cam kết chất lượng.

 

Việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên sẽ tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn nhân lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế./.

 

Lê Hoa

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN