Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid – 19

        Kết luận nêu rõ từ ngày 04/6 đến ngày 14/6/2021, tình hình dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bùng phát hết sức phức tạp; đã có 62 bệnh nhân dương tính với virút SARS-CoV-2 được phát hiện trong cộng đồng tại 06 địa phương: thành phố Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Hương Sơn, Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh. Liên quan đến các ca bệnh, có 1.312 trường hợp F1, 11.203 trường hợp F2.

        Trước tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và Nhân dân, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đã kêu gọi xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ 50.000 test nhanh, nhiều trang, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; đã, đang triển khai xét nghiệm cho 150.000 người bằng phương pháp PCR (Polymerase Chain Reaction).

        Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, sự tham gia, đóng góp của ngành Y tế, lực lượng vũ trang, các cơ quan truyền thông, các tầng lớp Nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp bàn các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh

        Tuy vậy, vẫn có địa phương, một số người dân lơ là, chủ quan; một số tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch, thiếu hợp tác trong khai báo y tế, gây khó khăn cho việc kiểm soát, đặc biệt truy vết các trường hợp có liên quan đến ca bệnh.

        Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca dương tính có thể tăng lên hàng trăm người. Do vậy công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phải được xác định là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách nhất hiện nay. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện khẩn trương, quyết liệt một số nội dung sau:

        1. Tiếp tục tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, đặc biệt phát huy vai trò của Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, chú trọng công tác truyền thanh cơ sở để thông tin nhanh nhất, chính xác tình hình, diễn biến dịch bệnh, cập nhật các chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn mới nhất của Trung ương, của Ban Chỉ đạo tỉnh, ngành Y tế để người dân biết, chủ động thực hiện. Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát, sớm đẩy lùi dịch bệnh. Quan tâm định hướng tuyên truyền phù hợp với tình hình, khắc phục tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

        Phát huy vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo các cấp về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp trong việc đưa, chia sẻ thông tin. Nghiên cứu có hình thức phù hợp để tiếp nhận, phản hồi thông tin đến người dân nhanh nhất. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin thất thiệt, sai sự thật về tình hình dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền và gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong Nhân dân.

        2. Phát huy tính sáng tạo của các địa phương, đơn vị trong việc đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định của người dân trong vùng cách ly. Phát huy tối đa vai trò của “Tổ Giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng” (Tổ Covid cộng đồng). Chọn những người có sức khỏe để bố trí tham gia Tổ Covid cộng đồng, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để theo dõi, giám sát các đối tượng cách ly y tế và những người thuộc diện theo dõi sức khỏe tại nhà; nắm các hộ gia đình có người đi/đến địa bàn từ vùng có dịch. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch; khai báo y tế qua hồ sơ điện tử; nhắc nhở những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở, đau họng, mất vị giác, khứu giác chủ động báo với ngành Y tế để thực hiện test nhanh và có biện pháp xử lý kịp thời, đề phòng nhiễm bệnh.

        3. Đẩy nhanh công tác xét nghiệm, sàng lọc để kịp thời phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Sau khi phát hiện các ca dương tính phải khẩn trương truy vết các F1, F2 để khoanh vùng; phong tỏa kịp thời, quản lý chặt chẽ các khu vực, địa bàn liên quan. Nâng cao năng lực xét nghiệm để đẩy nhanh thời gian truy vết, khống chế, dập dịch. Các địa phương chủ động tổ chức các dịch vụ xét nghiệm có thu phí bằng test nhanh cho người dân; rà soát, tổ chức xét nghiệm cho các nhóm đối tượng cần ưu tiên bằng nguồn xã hội hóa; ưu tiên các đối tượng nghi ngờ, nguy cơ cao, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch theo chỉ định của ngành Y tế. Các nhà máy thực hiện định kỳ xét nghiệm bằng test nhanh ít nhất từ 20% - 30% số người lao động, trường hợp nhà máy không thực hiện yêu cầu đóng cửa nhà máy, đề phòng dịch bệnh lây lan.

        4. Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án sẵn sàng các khu cách ly tập trung cho tình huống dịch bệnh lây lan nhanh, số người phải cách ly lớn. Ngoài các điểm cách ly tập trung đã có, cần có giải pháp để huy động các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú phục vụ cách ly dịch vụ cho người dân có nhu cầu; nghiên cứu thêm phương án cách ly các trường hợp F1 tại gia đình nhưng phải đảm bảo quy định chặt chẽ, an toàn và khi được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đồng ý. Chủ động các phương án để sẵn sàng tiếp nhận công dân nhập cảnh theo chỉ đạo của Chính phủ.

        Nâng cao năng lực của các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, không để xảy ra ca tử vong. Tổ chức vận hành hiệu quả Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Chuẩn bị phương án điều trị các ca bệnh F0, cấp cứu các ca bệnh nặng trong trường hợp số ca bệnh tăng lên trong thời gian tới. Tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực, vật tư, hoá chất, thiết bị xét nghiệm, chuyên môn của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trên, các địa phương, đáp ứng tốt nhất công tác phòng, chống dịch. Tổ chức tiêm vắc xin đợt 2 kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

        5. Cấp ủy, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị, ngành phụ trách; bám sát chỉ đạo chung, đồng thời chủ động, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch của địa phương. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, các địa phương, đơn vị cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các nhà máy, xí nghiệp, không để dịch bệnh làm ảnh hưởng quá lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

        6. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, nhất là khai báo y tế không trung thực, tổ chức tụ tập đông người, tuyên truyền, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch… Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các lực lượng tăng cường công tác quản lý xuất, nhập cảnh. Công an tỉnh tiếp tục xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh để xử lý nghiêm theo quy định.

        7. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, các ngành chức năng căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn để có chỉ đạo cụ thể từng nhóm nhiệm vụ, phù hợp với từng thời điểm, từng địa phương. Tiếp tục huy động tối đa lực lượng chức năng để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch hiệu quả; huy động lương thực, thực phẩm để tăng khẩu phần ăn cho người cách ly và lực lượng làm nhiệm vụ.

        8. Các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, nắm tình hình, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tại các địa bàn phụ trách; nếu chỉ đạo thiếu sâu sát, thiếu thường xuyên để dịch bệnh lây lan phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.

                                                                                                                       Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN