Luật Thi hành án hình sự bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp

 

Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp mới với những quy định tiến bộ theo hướng bảo vệ, đề cao quyền con người, trong đó, có quy định mang tính nguyên tắc: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 14)”. Chương II Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; trong đó có nhiều nội dung liên quan đến người đang chấp hành án hình sự.

 

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019 tại Kỳ họp thứ 7. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020 với nhiều điểm mới so với Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Trong đó, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

 

Luật Thi hành án hình sự 2019 đã bổ sung mới một Điều về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân (Điều 27), trong đó phạm nhân được hưởng các quyền như: Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân; Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án; Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; Được lao động, học tập, học nghề; Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật… Đồng thời Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện các chế độ của phạm nhân theo hướng cụ thể, nhân đạo, bảo đảm tốt nhất quyền con người trong quá trình chấp hành án. Trước đây, Luật Thi hành án hình sự 2010 quy định có 06 đối tượng được giam giữ riêng, Luật mới đã bổ sung thêm 02 đối tượng nữa là phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam và phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính. Như vậy hiện tại theo quy định có tổng cộng 08 đối tượng có thể được giam giữ riêng.

 

Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 06 tháng và 01 năm. Việc nhận xét, đánh giá phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và bảo đảm tính liên tục. Đồng thời, căn cứ kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, học tập, lao động cải tạo, kết quả khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để nhận xét, đánh giá và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo một trong các mức tốt, khá, trung bình, kém. Phạm nhân lập công thì được nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù. Kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù là một trong các thành phần hồ sơ để xét tha tù trước thời hạn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và là một trong các căn cứ để Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, quyết định kéo dài thời gian gặp thân nhân của phạm nhân.

 

Theo quy định tại Điều 45 của Luật, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nội dung chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng bao gồm: Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam. Về kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng bao gồm: Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

 

Để các quy định của Luật Thi hành án hình sự đi vào thực tiễn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác giam giữ, quản lý, giáo dục phạm nhân và các phạm nhân đang thi hành án; có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của phạm nhân. Đồng thời cần có sự đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chế độ, chính sách thích hợp cho cán bộ làm công tác giam giữ, quản lý, giáo dục phạm nhân, bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện đáp ứng yêu cầu của công tác thi hành án hình sự trong thời gian tới./.

 

                                                                                                                                   Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN