Một số chú ý trong quá trình thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình phải được Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân; Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo Quyết định trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Như vậy hoạt động thẩm định là một khâu bắt buộc trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thông qua việc đánh giá về nội dung, hình thức, kỹ thuật soạnthảo của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm xem xét tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo trong hệ thống pháp luật. Để tránh các sai sót, đảm bảo công việc triển khai có chất lượng, trong quá trình thẩm định cần chú ý một số vấn đề sau:

          Thứ nhất là xem xét hồ sơ gửi thẩm định dự thảo

          Có đảm bảo đầy đủ, đúng thành phần theo quy định tại điều 121 và 130 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không. Trong đó, cần chú ý đến bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý. Vì thông qua thành phần hồ sơ này cho thấy cơ quan soạn thảo đã tuân thủ quy trình lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động của văn bản, các tổ chức, cá nhân có liên quan và đây là cơ sở để chúng ta xem xét tính khả thi của dự thảo văn bản.

          Thứ hai về căn cứ pháp lý

          Theo quy định tại điều 64 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành. Căn cứ ban hành văn bản bao gồm văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền, chức năng của cơ quan ban hành văn bản đó và văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản.Do đó, quá trình thẩm định cần xem xét những văn bản nào làm căn cứ ban hành tại dự thảo đáp ứng đủ điều kiện trên thì đưa vào dự thảo, còn văn bản nào không đáp ứng quy định trên thì cần có ý kiến để cơ quan soạn thảo không đưa căn cứ đó vào dự thảo. Ví dụ: Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp nhưng trong phần căn cứ ban hành lại có Luật Xây dựng, trường hợp này cần đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ căn cứ này vì không liên quan nội dung của dự thảo.

          Thứ ba là xem xét về thẩm quyền ban hành văn bản

          Đây là nội dung quan trọng trong khâu thẩm định dự thảo văn bản, thông qua hoạt động này người thẩm định sẽ xác định được văn bản đó có được ban hành không. Thông thường khi xác định về thẩm quyền ban hành văn bản, cần nghiên cứu căn cứ pháp lý trực tiếp ban hành văn bản đó để xem có nội dung giao HĐND, UBND tỉnh quy định chi tiết không. Ví dụ, dự thảo Nghị quyết quy định mức phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; nội dungchi và mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, khi thẩm định cần chú ý đến căn cứ để ban hành văn bản này đó là Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luậtvà Thông tư số19/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, trong hai Thông tư này có nội dung giao HĐND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương quy định mức phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; nội dungchi và mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Do đó việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết này là đảm bảo đúng thẩm quyền quy định.

          Thứ tư là xem xét về tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật

          Quá trình thẩm định cần bám sát những quy định của Hiến pháp để đánh giá đầy đủ, toàn diện về nội dung của dự thảo nhằm xem xét dự thảo phù hợp với quy định của Hiến pháp về những nội dung như quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước. Ví dụ, trong dự thảo Quyết định có quy định về các hành vi bị cấm. Quy định này có thể dẫn đến hạn chế quyền của con người, quyền công dân. Do đó theo với điều 14 Hiến pháp quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật. Do đó, trong dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định về vấn đề này là không phù hợp, nên quá trình thẩm định cần có ý kiến để cơ quan soạn thảo chỉnh sửa.  

          Ngoài ra, kiểm tra, xem xét nội dung của văn bản nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn (như Luật, Nghị định, Thông tư) và với các văn bản khác thuộc hệ thống văn bản QPPL của địa phương. Đảm bảo các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành có sự phù hợp với nhau, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn giữa các văn bản.

          Thứ năm là về ngôn ngữ, kỹ thuật

          Ngôn ngữ được sử dụng để chuyển tải nội dung các quy phạm phải đảm bảo tính “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu”, tránh quy định tùy nghi hoặc nội dung dự thảo được hiểu và áp dụng theo nhiều cách khác nhau dẫn đến sự thiếu thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Kỹ thuật trình bày phải đảm bảo theo quy định tại chương V Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Do đó, trường hợp phát hiện ngôn ngữ và thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản có sai sót thì có ý kiến đề nghị chỉnh sửa đảm bảo đúng theo quy định./.

Hải Giang

 TIN TỨC LIÊN QUAN