Một số điểm mới đáng chú ý của Luật Phòng chống tham nhũng

 

 

 

Ngày 20/11/2018, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) với  tỷ lệ 93,20% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật gồm 10 Chương, 96 Điều, trong đó có nhiều điểm mới so với Luật PCTN năm 2005. Sau đây xin giới thiệu một số điểm mới nổi bật của Luật PCTN năm 2018.

 

Về phạm vi điều chỉnh:

 

Điều 1 Luật PCTN năm 2018 quy định: “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.  Như vậy, so với Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 đã thay cụm từ “xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ “xử lý tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Chương VII của Luật đã quy định việc áp dụng Luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Quy định này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với khu vực ngoài nhà nước cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; quy định tại Bộ luật Hình sự (mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước) cũng như yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

 

Về các hành vi tham nhũng:

 

Ngoài việc quy  định về về hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước như Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 còn bổ sung quy định về các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

 

Đối với hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước, Luật PCTN năm 2018 giữ như quy định của Luật PCTN năm 2005, là những hành vi do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm 12 hành vi được quy định tại Điều 2 của Luật. Đối với hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, Luật PCTN năm 2018 quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

 

Để phù hợp với việc mở rộng phạm vi áp dụng, Khoản 2 Điều 4 Luật PCTN năm 2018 đã quy định doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.

Về các hành vi bị nghiêm cấm:

 

Điều 8, Luật PCTN năm 2018quy định 4loại hành vi bị nghiêm cấm. Ngoài các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 bổ sung 01 loại hành vi bị nghiêm cấm đó là: “Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Đây là nhóm hành vi làm cản trở không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, do đó việc bổ sung nhóm hành vi này vào các hành vi bị nghiêm cấm là hoàn toàn phù hợp.

 

Về kê khai tài sản, thu nhập:

 

Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được Luật PCTN năm 2018 quy định tại Điều 34. So với Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tài sản, thu nhập biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, Luật PCTN năm 2018 mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng lại thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hằng năm nhằm phù hợp với việc thu hẹp đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi.

 

          Để phù hợp với việc mở rộng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, thu hẹp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì Điều 36 Luật PCTN năm 2018 đã quy định các phương thức kê khai áp dụng cho từng đối tượng kê khai khác nhau, gồm kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ.

 

Kê khai lần đầu và kê khai phục vụ công tác cán bộ: Người đang giữ chức vụ hoặc có vị trí công tác mà thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai đều phải thực hiện việc kê khai lần đầu theo quy định của Luật PCTN năm 2018 nhằm hình thành đồng bộ cơ sở dữ liệu, thông tin về tài sản, thu nhập của họ kể từ thời điểm Luật có hiệu lực để phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời, tất cả cán bộ, công chức, một số viên chức hoặc ở vị trí công tác khác khi được tiếp nhận, tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước đều phải kê khai. Hình thức kê khai này hiện đang được thực hiện trong quá trình hình thành hồ sơ quản lý cán bộ. Những năm công tác tiếp theo, họ không phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm nếu không có căn cứ phát sinh.

 

Kê khai hằng năm và kê khai bổ sung phục vụ cho kiểm soát tài sản, thu nhập: Kê khai hằng năm chỉ áp dụng đối với những người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên, người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Kê khai bổ sung áp dụng đối với người có biến động tăng về tài sản, thu nhập có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

 

Luật PCTN năm 2018có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019, thay thế Luật PCTN số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13./.

 

Thiều Chiên

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN