Một số nội dung phối hợp trong công tác xây dựng; kiểm tra, xử lý; rà soát, hệ thông hóa văn bản QPPL và cập nhật văn bản lên cơ sở dữ liệu pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Quyết định có 3 chương với 32 điều, trong đó tập trung quy định việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công tác tự kiểm tra, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; công tác cập nhật văn bản QPPL của tỉnh lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, hệ thống công báo điện tử tỉnh. Những nội dung này được xây dựng trên cơ sở quy định của các văn bản pháp luật như Luật Ban hành văn bản QPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 52/2015/NĐ-CP và căn cứ vào thực tiễn triển khai nhiệm vụ.

Trong công tác xây dựng văn bản QPPL: các đơn vị theo trách nhiệm được giao phối hợp lập danh mục văn bản giao quy định chi tiết; soạn thảo văn bản QPPL; lấy ý kiến về dự thảo văn bản QPPL; thẩm định dự thảo văn bản QPPL; trình thông qua, ban hành văn bản QPPL.Việc lập danh mục văn bản giao quy định chi tiết được thực hiện theo hàng tháng. Theo đó, các đơn vị phải chủ động rà soát các văn bản cấp trên thuộc lĩnh vực phụ trách, xem xét có quy định giao địa phương quy định chi tiết thì lập danh mục gửi Sở Tư pháp để tổng hợp trình Thường trực HĐND tỉnh (đối với văn bản giao HĐND tỉnh) hoặc UBND tỉnh (đối với văn bản giao UBND tỉnh). Trên cơ sở danh mục đó, các đơn vị chủ động xây dựng văn bản; lấy ý kiến các đơn vị liên quan bằng nhiều hình thức như gửi văn bản, tổ chức hội nghị, đăng tải dự thảo lên trang thông tin điện tử,…; tổng hợp ý kiến, hoàn thiện dự thảo gửi cơ quan tư pháp để thẩm định.

Trong công tác tự kiểm tra, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL: theo thẩm quyền, các cơ quan phối hợp với nhau trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra văn bản QPPL; gửi văn bản để kiểm tra, tự kiểm tra theo thẩm quyền; kiểm tra, tự kiểm tra văn bản QPPL; xử lý văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật.Kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra văn bản QPPL của tỉnh sẽ do Sở Tư pháp chủ trì xây dựng trình UBND tỉnh trước ngày 20/12 của năm. Trên cơ sở Kế hoạch này, các đơn vị, địa phương mới tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện tại đơn vị, địa phương mình. Đối với việc tự kiểm tra, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, các đơn vị, địa phương gửi văn bản QPPL sau khi ban hành cho các cơ quan có thẩm quyền là Sở Tư pháp, phòng Tư pháp để thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra. Trường hợp phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, các cơ quan này sẽ kiến nghị xử lý.

Trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL: Nội dung phối hợp bao gồm: Xây dựng Kế hoạch rà soát văn bản QPPL; Theo dõi, cập nhật văn bản là căn cứ để rà soát; Thực hiện rà soát văn bản; Xử lý kết quả rà soát; Lập danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực; Rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn; Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hệ thống hóa văn bản theo định kỳ.Căn cứ vào thực tiễn, công tác rà soát hàng năm có thể xây dựng kế hoạch riêng hoặc lồng ghép vào kế hoạch công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.Các đơn vị, địa phương phải thường xuyên theo dõi, cập nhật văn bản là căn cứ để rà soát liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc công bố hết hiệu lực theo từng trường hợp cụ thể./.

Kim Lân

 TIN TỨC LIÊN QUAN