Một số quy định mới về nuôi con nuôi tại Nghị định số 24/2019/NĐ-CP

 

Thứ nhất, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP mở rộng thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước. Trước đây, Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định:“Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi, thì UBNDcấp xã thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Hiện nay, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã mở rộng thẩm quyền theo hướng lựa chọn nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người đượcnhận con nuôi để thực hiện thủ tục này. Theo đó, Khoản 1 Điều 1 quy định :“Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì UBNDcấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.Việc mở rộng thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi hơncho công dânkhi thực hiện thủ tụcđăng ký việc nuôi con nuôi.

 

Thứ hai,Nghị định số 24/2019/NĐ-CP giới hạn lại đối tượng trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi. TheoKhoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CPthì có 12 nhóm trẻ em thuộc đối tượng trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi. Hiện nay, theo Nghị định số 24/2019/NĐ-CPthì chỉ còn 10 nhóm, trong đó không còn “trẻ em bị thoát vị rốn, bẹn, bụng” “trẻ em mắc bệnh cần điều trị cả đời”;đồng thời, nhóm “trẻ em bị khuyết tật khác hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác mà cơ hội được nhận làm con nuôi bị hạn chế” đã được điều chỉnh thành“ trẻ em bị khuyết tật khác hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác cần điều trị khẩn cấp hoặc cả đời.”Quy định này nhằmđảm bảo chỉ những trẻ em bị khuyết tật hoặc mắc bệnh thực sự nặng mới được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài theo diện đích danh, ưu tiên giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước đối với trẻ em khuyết tật, mắc bệnh thông thường, thể nhẹ.

 

Thứ ba,quy định về việc rà soát, tìm người nhận nuôi con nuôi

 

Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP về trách nhiệm rà soát, tìm người nhận trẻ em làm con nuôi. Theo đó, trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật, UBNDcấp xã hàng tháng rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi. Quy định này nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với trẻ em đang được tạm thời nuôi dưỡng hoặc được chăm sóc thay thế ở gia đình, hạn chế tình trạng nuôi con nuôi thực tế trong cộng đồng.

 

Thứ tư,sửa đổi quy định về thay đổi, bổ sung hộ tịch của con nuôi.

 

Điều 24 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.”

 

Theo khoản 1 Điều 26 Luật Hộ tịch thì phạm vi thay đổi hộ tịch bao gồm  thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân; thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi. Dođó, để đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật về hộ tịch, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP quy định: “Căn cứ vào Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi và sự đồng ý của con nuôi từ đủ chín tuổi trở lên, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về hộ tịch.

 

Việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.”

 

Thứ năm,bổ sung quy định trongviệc xác minh hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi. Cụ thể:

 

“Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi ở nước ngoài, thì phải có văn bản xác minh và kết luận rõ ràng của Công an cấp tỉnh về nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ.

 

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi mà Công an cấp tỉnh xác minh được thông tin về cha, mẹ đẻ và Sở Tư pháp liên hệ được với cha, mẹ đẻ thì Sở Tư pháp tiến hành lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ trước khi xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi.

 

Trường hợp không thể liên hệ được với cha, mẹ đẻ, Sở Tư pháp niêm yết tại trụ sở Sở Tư pháp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, đồng thời có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của cha, mẹ đẻ niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã về việc cho trẻ em làm con nuôi. Thời hạn niêm yết là 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp”.

 

 Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho Sở Tư pháp lấy ý kiến của cha mẹ đẻ trong trường hợp trẻ em bị bỏ rơi nhưng sau đó xác định được thông tin và liên hệ được với cha mẹ đẻ, bảo đảm được quyền và lợi ích của trẻ em trong trường hợp có thông tin về cha mẹ đẻ./.

 

Hạnh Ngân

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN