Một số điểm mới của Luật Công chứng

        So với Luật Công chứng năm 2006, Luật Công chứng năm 2014 có những điểm mới sau:

        Về phạm vi công chứng của Công chứng viên

        Ngoài nhiệm vụ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, Luật công chứng năm 2014 còn giao cho Công chứng viên được công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (khoản 1 Điều 2). Bên cạnh đó còn mở rộng cho Công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản (khoản 1 Điều 77).

      Về tiêu chuẩn Công chứngviên

     Để nâng cao chất lượng đội ngũ Công chứng viên, Luật công chứng năm 2014 bổ sung quy định mới về tiêu chuẩn Công chứng viên phải tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng (Điều 9) hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng (khoản 2 Điều 10) và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Theo đó thì thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng thay vì 06 tháng như trước đây; người được miễn đào tạo nghề công chứng phải tham gia khoá bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng là 03 tháng, người được miễn đào tạo nghề công chứng được giảm một nửa thời gian tập sự (chỉ còn 06 tháng) và cũng phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.

       Bên cạnh đó Luật công chứng năm 2014 quy định thời gian công tác thực tế của các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Luật sư từ 03 năm lên 05 năm.

       Về Tổ chức hành nghề côngchứng

       Luật tiếp tục ghi nhận 02 loại hình tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng và Văn phòng công chứng) song xác định rõ định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, ưu tiên phát triển các Văn phòng Công chứng theo quy hoạch tổng thể phát triển Tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tường Chính phủ phê duyệt.Quy định này nhằm khắc phục tình trạng thành lập Văn phòng công chứng tràn lan, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, không đảm bảo chất lượng hoạt động công chứng.

        Phòng công chứng chỉ được thành lập mới tại những địa bàn chưa có điều kiện phát triển được Văn phòng công chứng. Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

      Luật công chứng năm 2014 quy định chặt chẽ hơn về hình thức tổ chức, hoạt động của Văn phòng công chứng. Theo đó, Luật đã bỏ hình thức Văn phòng công chứng chỉ có 01 Công chứng viên mà quy định phải có từ 02 Công chứng viên hợp danh trở lên, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; Văn phòng công chứng chỉ có Công chứng viên hợp danh, không có thành viên góp vốn; tên gọi của Văn phòng công chứng phải gắn với tên của các Công chứng viên hợp danh; Trưởng Văn phòng công chứng phải có thời gian hành nghề công chứng tối thiểu là 02 nămđể có kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong việc điều hành Văn phòng. Công chứng viên đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng.

     Về hành nghề công chứng

      Luật quy định 03 hình thức hành nghề của Công chứng viên bao gồm Công chứngviêncủa các Phòng công chứng, Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và Công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng.

      Tổ chức hành nghề công chứng (bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng) có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Công chứng viên của tổ chức mình.

      Ngoài những quy định trên Luật Công chứng năm 2014 cũng bổ sung nhiều quy định mới như tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Công chứng viên, cơ sở dữ liệu công chứng, phí công chứng, quản lý nhà nước về công chứng. Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015./.

Minh Thu

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN