Một số điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính

        Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là một văn bản luật có nội dung lớn, phức tạp, điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Chính vì vậy, Luật này được bố cục thành 06 phần, 12 chương và 142 điều. Trong đó, phần thứ nhất về những quy định chung; Phần thứ hai, quy định về xử phạt vi phạm hành chính; Phần thứ ba quy định về các biện pháp xử lý hành chính; Phần thứ tư quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính; Phần thứ năm-những quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính và Phần thứ sáu về điều khoản thi hành. Trong phạm vi bài viết ngắn này, tôi chỉ nêu một số điểm mới của Luật so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2008).

       Về hình thức xử phạt VPHC và biện pháp khắc phục hậu quả:

        Luật bổ sung hình thức xử phạt mới là đình chỉ hoạt động có thời hạn, quy định áp dụng linh hoạt giữa hình thức xử phạt chính và hình thức bổ sung đối với cùng một hình thức xử phạt vi phạm hành chính (Điều 21); bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra như buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính (Điều 28). Đối với hình thức phạt tiền (Điều 23, Điều 24), Luật phân định mức phạt tiền tối thiểu và tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính giữa cá nhân và tổ chức, theo đó, mức phạt tiền đối với cá nhân là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, tổ chức là từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng; ghi nhận mức phạt tiền được quy định trong các luật khác nhau như luật quản lý thuế, sở hữu trí tuệ, đo lường, an toàn thực phẩm, chứng khoán, hạn chế cạnh tranh và quy định mức phạt tối đa đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước theo Điều 24 là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức được áp dụng gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

       Về thủ tục xử phạt VPHC:

        Luật quy định thủ tục xử phạt theo hướng công khai, minh bạch hơn, cho phép sự tham gia của cá nhân, tổ chức vi phạm và người đại diện của họ tham gia vào quá trình ra quyết định xử phạt. Theo đó, Luật bổ sung về trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt trong việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính (Điều 59); về việc giải trình của đối tượng vi phạm hành chính có thể bằng văn bản và giải trình trực tiếp (Điều 61); trách nhiệm của cơ quan, của người có thẩm quyền xử phạt trong việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực như an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hoá; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động… (Điều 72).

       Không quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh:

Luật bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là sự đổi mới trong thái độ đối xử với người bán dâm, phù hợp với tính chất của hiện tượng xã hội này. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng bán dâm thì Chính Phủ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành nhiều giải pháp khác nhau như: kinh tế; xã hội; lồng ghép trong các chương trình quốc gia về vay vốn, tạo công ăn việc làm, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho đối tượng này.

       Giao cho Toà án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý VPHC đưa vào trường giáo dưỡng, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

      Luật quy định thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính từ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân sang Toà án nhân dân xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp (Khoản 2 Điều 105). Có thể nói, việc giao Toà án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nêu trên sẽ tạo điều kiện cho đương sự, luật sư, người bào chữa được tham dự để bảo vệ quyền lợi của đương sự, bảo đảm dân chủ, khách quan; phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

      Bổ sung một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý VPHC:

      Cụ thể: về nguyên tắc, việc xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Trong trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì có thể bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

      Luật cũng quy định rất chặt chẽ điều kiện áp dụng một số biện pháp ngăn chặn liên quan đến nhân thân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vi phạm như biện pháp tạm giữ người (Điều 122) chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác; đối với biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề (Điều 125) chỉ áp dụng trong trường hợp để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt hoặc để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện.

       Về các quy định để xử lý đối với người chưa thành niên VPHC:

       Luật bổ sung nguyên tắc xử lý mới, đặc thù; quy định rõ đối với người chưa thành niên vi phạm chỉ áp dụng 03 hình thức xử phạt, đó là: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Luật cũng quy định 04 biện pháp khắc phục hậu quả và bổ sung các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính như nhắc nhở, quản lý tại gia đình.

       Tóm lại, Luật Xử lý vi phạm hành chính có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều tổ chức và cá nhân. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả Luật này,  bên cạnh giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cần phải chú trọng giải pháp phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành, các cấp có liên quan; đồng thời chính phủ, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực cho ngành Tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ này. Đối với Hà Tĩnh, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 453/KH-UBND ngày 22/10/2014 về việc thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Kế hoạch chung của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các Sở, ngành có liên quan và các huyện, thành phố, thị xã xây dựng Kế hoạch và từng bước triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định./. 

Hoa Phượng

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN