Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 và quyền bí mật cá nhân

        Bí mật cá nhân được hiểu là thông tin về những sự việc xảy ra trong đời sống, những đặc điểm nhân thân mà cá nhân cần giữ kín, bởi sự tiết lộ những thông tin này có thể dẫn tới làm ảnh hưởng xấu đến cá nhân đó. Gắn liền với giá trị quyền con người nên pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân. Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân”. Trừ một số trường hợp luật định, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng bí mật đời tư của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Án tích đã được xóa cũng là một trong những bí mật cá nhân được pháp luật bảo vệ thông qua Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP). Tuy nhiên, đối với yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 thì hiện nay vấn đề này chưa được bảo vệ tuyệt đối.

       Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Phiếu LLTP gồm 02 loại là Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2. Đều mang nội dung thông tin về án tích của người yêu cầu cấp phiếu nhưng điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại này là Phiếu LLTP số 1 không ghi án tích đã được xóa; Phiếu LLTP số 2 ghi đầy đủ các thông tin về án tích đã được xóa.

      Trong lĩnh vực quản lý LLTP, một trong các mục đích và nguyên tắc quản lý là ghi nhận việc xóa án tích, “tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng” “bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân”(Điều 3, 4 Luật LLTP). Theo đó, nếu một cá nhân đã từng bị kết án và được xóa án tích theo quy định của pháp luật thì Phiếu LLTP số 1 sẽ xác nhận "không có án tích". Điều này mang ý nghĩa như một sự khẳng định chính thức của Nhà nước, coi người đã được xóa án tích như người chưa bị kết án, tạo điều kiện để họ hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, giúp họ không bị mặc cảm hay bị phân biệt đối xử khi tham gia các quan hệ xã hội. Không ai có thể căn cứ vào sự kiện họ đã bị kết án trước đây để hạn chế quyền lợi của họ. Chính vì vậy, Phiếu LLTP số 1 mang giá trị nhân văn sâu sắc và thể hiện sự tôn trọng đối với bí mật về tình trạng án tích của cá nhân.

       Cũng  với cá nhân đã từng bị kết án và được xóa án tích, Phiếu LLTP số 2 cũng ghi nhận là “không có án tích”  nhưng đồng thời lại ghi rõ các thông tin về tội danh, điều khoản áp dụng, hình phạt chính, bổ sung, án phí, ngày tháng năm tuyên án, thi hành án…và ghi chú thông tin về việc đã được xóa án tích. Tuy nhiên, nhằm thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền bí mật cá nhân, Luật LLTP đã giới hạn đối tượng và mục đích cấp phiếu. Theo đó, loại phiếu này chỉ được cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình. Song thực tiễn cấp phiếu LLTP hiện nay cho thấy hồ sơ yêu cầu Phiếu LLTP số 2 ngày càng tăng mà đối tượng yêu cầu cấp phiếu hầu hết là cá nhân và mục đích yêu cầu cấp phiếu là bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức khác. Điều này rất bất lợi cho những người đã được xóa án tích, vì mặc dù đã được xóa nhưng những thông tin về án tích này vẫn được ghi lại trên Phiếu.

       Ngoài mục đích để biết được nội dung LLTP của mình, cá nhân không  bị bắt buộc sử dụng Phiếu LLTP số 2 cho các mục đích khác. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, thực trạng các cơ quan, tổ chức khác xâm phạm bí mật cá nhân thông qua việc quy định Phiếu LLTP số 2 là thành phần bắt buộc trong hồ sơ tuyển dụng, du học, xin cấp thị thực, xuất cảnh, định cư, …lại diễn ra ngày càng nhiều. Điều này khiến cho nhiều người có án tích đã được xóa vì bị yêu cầu cung cấp Phiếu LLTP số 2 mà bị phân biệt đối xử trong lao động và học tập. Với yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 như hiện nay, so với mục đích “để biết” thì hậu quả đối với cá nhân nghiêm trọng hơn nhiều.

       Do đó, để đảm bảo quyền bí mật cá nhân và các mục đích nhân văn của chế định xóa án tích, đối với Phiếu LLTP số 2, theo tôi nên sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp theo hướng không quy định “cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình” mà chỉ cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác  điều tra, truy tố, xét xử./.

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN