Phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng

 

Ngày 20/11/2018, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) với  tỷ lệ 93,20% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật gồm 10 Chương, 96 Điều, trong đó quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là một điểm mới nổi bật của Luật này.

 

Thực tiễn hiện nay cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư diễn ra khá phức tạp, làm méo mó môi trường kinh doanh, suy yếu sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, do đó cần có quy định của pháp luật kịp thời điều chỉnh.Việc bổ sung nội dung này trong Luật PCTN năm 2018 một mặt xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mặt khác nhằm quán triệt chủ trương của Đảng về PCTN và đảm bảo sự đồng bộ của Luật PCTN với các đạo luật khác đã được Quốc hội thông qua. Cụ thể, tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, Bộ Chính trị đã chỉ ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp PCTN, trong đó có nội dung: “Từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.Ngoài ra, việc bổ sung nội dung này trong Luật PCTN năm 2018 còn để đảm bảo sự phù hợp giữa pháp luật Việt Nam với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

 

Luật PCTN năm 2018 đã dành riêng một chương quy định về PCTN trong doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước, trong đó bao gồm các nội dung sau:

 

Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh:

 

Luật PCTN năm 2018 khuyến khíchdoanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệpban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình.Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng. Quy định này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và các quy tắc ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp có các biện pháp tự bảo vệ mình trước các hành vi tham nhũng.

 

Áp dụng Luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước:

 

Quy định về áp dụng Luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước bao gồm 03 nội dung:(1) Áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; (2)Thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; và (3) Phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Trong đó nội dung (1) và (2) được áp dụng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện (sau đây gọi tắt là các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội). Đâylà các doanh nghiệp, tổ chức có huy động vốn góp của nhiều cổ đônghoặc huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiệnnên dễ phát sinh tham nhũng.

 

(1) Áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước:

 

Luật PCTN năm 2018 quy định 03 nhóm biện pháp để PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, bao gồm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; Kiểm soát xung đột lợi ích; Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý.

 

Theo đó, các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội có trách nhiệm công khai, minh bạch các nội dung như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thành viên; chế độ lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi xã hội khác; quy tắc ứng xử, điều lệ doanh nghiệp, tổ chức; công tác tổ chức, bố trí nhân sự …

 

Việc kiểm soát xung đột lợi ích được thực hiện thông qua việc các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội quy định cụ thể các trường hợp xung đột lợi ích, trách nhiệm thông tin, báo cáo về các trường hợp xung đột lợi ích và công khai, phổ biến, tập huấn cho toàn thể người lao động, thành viên của doanh nghiệp, tổ chức; Quy định và thiết lập cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức; Có biện pháp bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đã thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khi bị thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại; Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp xung đột lợi ích dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời.

 

Căn cứ vào quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản liên quan, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý; Quy định hình thức xử lý trách nhiệm, các trường hợp được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng nặng trách nhiệm, trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý.

 

(2) Thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

 

Nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, Luật PCTN năm 2018 quy định chỉ khi các doanh nghiệp, tổ chức đó có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm quy định về công khai, minh bạch, về kiểm soát xung đột lợi ích, về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu thì cơ quan có thẩm quyền mới được tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, để tránh việc một doanh nghiệp, tổ chức xã hội bị thanh tra nhiều lần bởi nhiều cơ quan thanh tra khác nhau về cùng một nội dung, Luật PCTN năm 2018 đã giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giao Chính phủ quy định chi tiết về việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

 

(3)Phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

 

Luật PCTN năm 2018 quy định doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình. Cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động thanh tra nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo theo quy định tại Mục 3 Chương III của Luật PCTN.

 

Luật PCTN năm 2018 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019. Với các quy định mới về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, tin rằng Luật PCTN năm 2018 sẽ phát huy hiệu quả, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế./.

 

Thiều Chiên

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN