Quy định mới về tố cáo không rõ họ tên người tố cáo và rút ngắn thời hạn giải quyết tố cáo trong Luật Tố cáo 2018

 

Về trường hợp tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo

 

Theo quy định của Điều 19 Luật tố cáo 2011 thì người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ, ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo/văn bản mà không có quy định về trường hợp tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo.

Tại Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 31/10/2014 của Bộ Tư pháp quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Điều 19 có quy định về trường hợp này nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi hành vi tham nhũng, hành vi phạm tội và xử lý theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, pháp luật tố tụng tố tụng hình sự, cụ thể: Khi nhận được đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì người xử lý đơn báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự”.

Thực tế có trường hợpngười tố cáo cung cấp được các thông tin, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để kiểm tra, xác minh nhưng người tố cáo giấu họ tên vì sợ bị trả thù, trù dập. Và thực tế nhiều vụ việc tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo vẫn được một số cơ quan xem xét, giải quyết nhưng một số cơ quan thì không tiếp nhận. Thực tiễn trên gây ra sự thiếu thống nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật.[1]

Để rõ hơn về nội dung này, Điều25 Luật Tố cáo 2018 quy định:

1. Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật này thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật này.

2. Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo quy định tại khoản 1 Điều này có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý”.

Quy định mới này của Luật Tố cáo 2018 vừa nhằmhạn chếtrường hợplợi dụng quyền tố cáo mà không xác định rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo để tố cáo sai sự thật, vu khống, bôi nhọ người khác; vừa nhằm tránh trường hợp bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luậtkhi người tố cáo sợ bị trù dập, trả thù cá nhân nên chỉ cung cấp chứng cứ mà không ghi rõ họ tên, địa chỉ; đáp ứng nhu cầu của người tố cáo và đảm bảo sự thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

 

Về thời hạn giải quyết tố cáo

 

Khoản 1 Điều 21 Luật Tố cáo 2011 quy định:  Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

Tại Điều 30 Luật Tố cáo 2018, thời hạn này đã được rút ngắn một cách đáng kể, cụ thể như sau:  Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Đây là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Tố cáo 2018, thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình giải quyết tố cáo. Qua đó hạn chế các vụ việc tồn đọng, kéo dài; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố niềm tin của người tố cáo nói riêng và của xã hội nói chung.

 

Hạnh Ngân (Chi Đoàn thanh niên)



[1] Theo Báo cáo số 3537/BC-TTCP  ngày 30/12/2016 của Thanh tra Chính phủ  tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo

 TIN TỨC LIÊN QUAN