Trao đổi một số vấn đề về công tác lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.

 

Thực hiện quy định trên, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện tốt quy trình lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và đối tượng chịu tác động đối với các dự thảo Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh. Việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo được thực hiện dưới nhiều hình thức thiết thực và có hiệu quả như bằng văn bản hoặc thông qua các cuộc họp tổ chức lấy ý kiến trực tiếp hoặc đăng tải trên trang thông tin của UBND tỉnh, của các ngành. Thậm chí có nhiều dự thảo thì cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến nhiều lần và thông qua nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như khi xây dựng dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh. Đối với dự thảo Nghị quyết này, do phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau (gộp chính sách tạm thời về khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh và một phần của chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dânđến năm 2015 và những năm tiếp theo tại Nghị quyết 144/2015/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh) nên sau khi xây dựng dự thảo, cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều lần lấy ý kiến với nhiều hình thức như vừa bằng văn bản, vừa bằng tổ chức hội nghị, lại vừa đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của ngành.

 

Qua theo dõi cho thấy, cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh đã được cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, đối tượng cũng như hình thức lấy ý kiến. Sau khi, có ý kiến của các cơ quan liên quan, cơ quan soạn thảo tổng hợp, chỉnh sửa, đối với những ý kiến tiếp thu sẽ đưa vào dự thảo, còn ý kiến không tiếp thu được cơ quan soạn thảo giải trình cụ thể với UBND tỉnh và Sở Tư pháp (khi chuyển hồ sơ thẩm định).

 

Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác lấy ý kiến vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

          * Đối với công tác lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh

          - Đây là một quy định mới tại Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015. Mặc dù luật đã được ban hành 04 năm tuy nhiên quy định này vẫn chưa được cơ quan tham mưu thực hiện nghiêm túc. Theo quy định, thì đây cũng là một nhiệm vụ phải tiến hành theo quy trình chặt chẽ, trong khi đó, đội ngũ làm công tác pháp chế các cơ quan chuyên môn của Hà Tĩnh còn mỏng, chủ yếu làm theo chế độ kiêm nhiệm. Trong tổng số 15 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, mới chỉ có 04 sở có cán bộ pháp chế chuyên trách, còn lại 11 đơn vị cán bộ pháp chế thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, trong đó có một số cán bộ chuyên môn không phải ngành luật nên ảnh hướng đến việc thực hiện nghiêm túc quy định về công tác tham mưu tổ chức lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị quyết.

          - Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  thì  hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh; hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến. Tuy nhiên, thực tế việc lấy ý kiến của đề nghị xây dựng Nghị quyết đối với 2 chủ thể này là chưa được thực hiện. Đối với cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, ở tỉnh ta việc chưa phát huy vai trò tham gia ý kiến của cơ quan này trong quy trình xây dựng văn bản QPPL nói chung, còn đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì vì theo quy định việc lấy ý kiến trong thời hạn 10 ngày, do đó nên khó khăn cho địa phương trong việc gửi văn bản xin ý kiến đối với cơ quan này.

          * Đối với việc lấy ý kiến của dự thảo Nghị quyết, Quyết định

          - Việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan còn nặng về hình thức, nhiều cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình phụ trách, đối với những lĩnh vực khác thì cơ bản thống nhất dẫn tới nhiều vấn đề vốn có thể giải quyết ngay từ khâu soạn thảo văn bản tuy nhiên đến giai đoạn trình vẫn chưa nhận được sự đồng thuận, làm giảm chất lượng dự thảo văn bản.

          - Việc tổ chức lấy ý kiến của người dân đặc biệt là đối tượng chịu tác động trực tiếp của tại một số dự thảo chưa được thực hiện một cách nghiêm túc hoặc chỉ mang tính chất hình thức. Việc lấy ý kiến đóng góp chỉ được thực hiện theo một chiều, tức là người dân có tham gia ý kiến đóng góp còn việc tiếp thu hay không là do ý chí của cơ quan soạn thảỏ.

          - Hình thức lấy ý kiến chưa đa dạng, phong phú, chưa thu hút được đông đảo sự tham gia của người dân.

          Trên đây là một số vấn đề cần trao đổi trong công tác góp ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy ý kiến theo quy định đảm bảo cho công tác này đạt kết quả cao trong thời gian tới./.

 

Hải Giang

 

         

 TIN TỨC LIÊN QUAN