Xâm hại tình dục trẻ em - Vấn đề cần quan tâm của toàn xã hội

 

Khái niệm xâm hại tình dục trẻ em, có thể được hiểu một cách chung nhất là sự xâm phạm, động chạm đến quyền tự do, đến nhu cầu phát triển tự nhiên của trẻ em về quan hệ tính giao, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của trẻ em. Dưới khía cạnh pháp lý, khái niệm trẻ em thường được tiếp cận theo độ tuổi, theo đó, trẻ em được coi là người chưa đủ 16 tuổi.

 

Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm.Luật Trẻ em năm 2016 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em dành một chương riêng (Chương IV) về bảo vệ trẻ em quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em; cấp độ bảo vệ trẻ em và trách nhiệm thực hiện; việc thành lập và hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế. Bên cạnh đó Bộ luật Hình sự 2015 đã dành 5 điều luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có quy định dâm ô với người dưới 16 tuổi cụ thể: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142) với khung hình phạt từ 07 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình tùy vào tính chất và hành vi vi phạm của người phạm tội. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi(Điều 144) khung hình phạt cho tội phạm này từ 05 đến 10 năm tù. Mức hình phạt sẽ tăng cao dần khi người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng nghiêm trọng như: làm nạn nhân có thai, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội… Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm;  Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145)người phạm tội bị phạt sẽ bị phạt tù 1-15 năm.Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm; Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) từ 06 tháng đến 12 năm, kèm theo hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong 1-5 năm; Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) khung hình phạt cho tội phạm này mức án từ 06 đến 12 năm nếu có thêm các tình tiết tăng nặng. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

 

Mặc dù quy định của pháp luật đã cụ thể, tuy nhiên thực tế hiện nay các quyền của trẻ em vẫn chưa được đảm bảo. Đặc biệt tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn mới.Tại tỉnh Hà Tĩnh, theo báo cáo củaCông an tỉnh Hà Tĩnh trung bình mỗi năm có 4-6 vụ xâm hại tình dục ở trẻ em bị phát hiện và khởi tố hình sự.

 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua là do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em. Từ đó, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục….

 

Để công tác đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian tới, bản thân tôi xin đưa ra một số giải pháp sau:

 

Một là, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, về tình dục, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm để các nạn nhân, gia đình nạn nhân hiểu và nhận thức đầy đủ quyền của mình để đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em. Đặc biệt là việc quan tâm quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, có nhiều khả năng bị xâm hại.

 

Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, do khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bi cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.

 

Ba là, sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em.

 

Bốn là, cần thiết lập đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em, mở rộng và tuyên truyền rộng rãi các số điện thoại tư vấn trên các phương tiện truyền thông đại chúng để mọi người dân và bản thân các em biết. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra giám sát việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở, qua đó góp phần giảm tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục./.

 

          Kim Oanh

 TIN TỨC LIÊN QUAN