> Giới thiệu trung tâm TGPL > Chức năng - nhiệm vụ

16/05/2022

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh

         1. Vị trí, chức năng

         - Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do UBND tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Tư pháp và sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật. Trụ sở đóng tại: 103A, đường Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

         - Trung tâm có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý dưới các hình thức: tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

         2. Nhiệm vụ, quyền hạn

         - Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền. Kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định.

         - Quản lý, hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý, hỗ trợ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.

         - Lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đối với Luật sư có đủ điều kiện, nguyện vọng. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.

         - Phối hợp với các cơ quan tổ chức thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Sở Tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ủy quyền hoặc yêu cầu.

         3. Lĩnh vực trợ giúp pháp lý

         - Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.

         - Pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự.

         - Pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em.

         - Pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính.

         - Pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng.

         - Pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm.

         - Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội khác.

         - Các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

         4. Các hình thức trợ giúp pháp lý

         - Tư vấn pháp luật

         Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.

         - Tham gia tố tụng

         Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng.

         - Đại diện ngoài tố tụng

          Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

         5. Đối tượng được trợ giúp pháp lý

         - Người có công với cách mạng.

         - Người thuộc hộ nghèo.

         - Trẻ em.

         - Người dân tộc thiểu số trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

         - Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

         - Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

         - Người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây:

         + Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.

         + Người nhiễm chất độc da cam.

         + Người cao tuổi.

         + Người khuyết tật.

         + Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự.

         + Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình.

         + Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.

         + Người nhiễm HIV.

 TIN TỨC LIÊN QUAN