> Hoạt động trợ giúp pháp lý > Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

09/05/2022

Vụ việc điển hình - “Hậu quả của việc bất cẩn”

Bà Trần Thị Thảo và ông Phan Hiếu có một thửa đất với diện tích 12.000m2, tháng 12/1992 được UBND huyện Q cấp sổ Lâm bạ. Năm 1994, ông Phan Hiếu (chồng Bà Thảo) đã bán lại thửa đất trên cho bà Lê Thị Hà với giá 400.000 đồng, việc mua bán này bà Thảo biết mà không có ý kiến gì, khi mua bán hai bên có làm thủ tục giấy tờ đầy đủ nhưng đã bị thất lạc. Năm 1997, bà Hà được UBND huyện Q cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Phan Duy Tiến (chồng bà Lê Thị Hà) trong đó có phần diện tích 12.000m2 mua của vợ chồng bà Thảo.

Năm 2015, bà Bùi Thị Thảo khởi kiện lên tòa án Nhân dân huyện Q yêu cầu gia đình bà Hà trả lại diện tích 12.000m2 mà ông Phan Hiếu (chồng bà Thảo) đã bán lại cho gia đình bà Hà. Ngày 06/5/2016, Tòa án Nhân dân Huyện Q đưa vụ án ra xét xử và tuyên buộc ông Tiến, bà Hà phải trả lại thửa đất 12.000m2 cho bà Thảo, đồng thời di dời toàn bộ cây cối mà ông Tiến, bà Hà đã trồng trên đất của bà Thảo ra khỏi thửa đất trên.

Tháng 5/2016, bà Hà gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Q lên tòa án Nhân dân tỉnh. Là người có công với cách mạng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, bà Hà đã đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đề nghị được trợ giúp pháp lý.

Sau khi được phân công tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hà, Trợ giúp viên pháp lý đã nghiên cứu hồ sơ vụ việc, nội dung bản án sơ thẩm, trực tiếp làm việc với cơ quan có thẩm quyền để xác minh vụ việc, các quy định của pháp luật liên quan đến vụ án. Qua quá trình nghiên cứu Trợ giúp viên pháp lý nhận thấy việc áp dụng văn bản pháp luật và đường lối đưa ra để giải quyết vụ án của Tòa cấp sơ thẩm trong vụ việc này là chưa có cơ sở, không đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho bà Hà. Tại phiên tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh, Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích nguồn gốc sử dụng đất, về quá trình sử dụng ổn định, không có tranh chấp, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ của gia đình bà Hà đối với Nhà nước và liên quan đến hiệu lực pháp lý của các hợp đồng giao khoán đất. Từ đó, căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 6; khoản 3, Điều 12 Nghị định số 02-CP năm 1994 quy định về hình thức và nội dụng hợp đồng giao khoán; Căn cứ vào khoản 3, khoản 4 Điều 26 Luật Đất đai năm 1993, khoản 3 Điều 14 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy án sơ thẩm. Trước các phân tích, lập luận chặt chẽ của Trợ giúp viên pháp lý, Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hủy án Bản án sơ thẩm, giao tòa án nhân dân huyện Q xử lại từ đầu theo đúng quy định.

Từ chỗ gia đình bà Hà có nguy cơ mất đi diện tích sản xuất nay nhờ sự tận tâm, tận tình của Trợ giúp viên pháp lý đã giúp bà có cơ hội lấy lại được toàn bộ diện tích đất sản xuất và số cây lâu năm là kế sinh nhai của cả gia đình. Qua vụ việc trên chúng ta thấy khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bên mua cần nhanh chóng đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho mình, vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở pháp lý chặt chẽ để xác định các quyền của người sử dụng đất sẽ được Nhà nước bảo vệ khi xảy ra các tranh chấp hoặc bị xâm phạm quyền lợi. Nó cũng xác định các nhiệm vụ mà người sử dụng đất phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Quốc Hoàng

 TIN TỨC LIÊN QUAN