> Hoạt động trợ giúp pháp lý > Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

09/05/2022

Vụ việc điển hình - “Tổ quốc ghi công”

Ngọc Trâm ghi lại

 

          Câu chuyện được ghi lại từ lời kể của một Trợ giúp viên pháp lý đã về hưu. Sự việc diễn ra trong khoảng thời gian 1999, từ những ngày đầu thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý.

Chiến tranh đã lùi xa, những miền đất bom đạn cày xới giờ đã phủ một màu xanh của sự sống. Nhiều đồng đội của anh, người may mắn từ chiến trường trở về với mái ấm gia đình; người đã hy sinh, vĩnh viễn nằm lại dưới màu xanh kia. Các anh được Nhà nước tuyên dương công trạng và thân nhân của họ được sự quan tâm, đền ơn đáp nghĩa của đất nước. Còn con trai cụ, ngày ra đi với sức trai, nguyện chiến đấu và trở về với mẹ cha khi chiến thắng. Nhưng anh đã chiến đấu và anh dũng như bao liệt sĩ khác. Chỉ có điều, nghiệt ngã thay, đã hơn 30 năm qua những tấm Huân chương ca ngợi thành tích của anh thì vẫn còn đó, nhưng sự hi sinh anh dũng của anh, sự mất mát người thân của gia đình chưa được quan tâm ghi nhận, bị thời gian và nước mắt đã làm phai nhạt dần. Chỉ còn nỗi đau của người cha và người mẹ già vì mòn mỏi chờ con thì vẫn còn nguyên vẹn. Có phải mất mát, hy sinh của họ bị đất nước quên lãng hay vì lý do nào khác ? Tại sao anh không được công nhận liệt sĩ và cha mẹ già của anh chưa được đất nước ghi công. Đây là một bài toán khó mà việc tìm lời giải đáp là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai những người làm công tác trợ giúp pháp lý và các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh.

Từ những tấm Huân chương

Vào cuối năm 1968, khi chiến trường miền Nam và cả nước đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, cũng như bao thế hệ cha anh đi trước, anh Nguyễn N (con trai cả của cụ Nguyễn Đình H và cụ Trần Thị P ở xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cầm súng ra chiến trường giết giặc như bao thanh niên “Sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dật tương lai”, gạt nước mắt chia tay bố mẹ đang ngày một già. Một năm sau, gia đình nhận được tin anh đã hy sinh trên chiến trường. Với những chiến công và lòng quả cảm trong chiến đấu chống Mỹ, anh được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Huân chương chiến sĩ giải phóng và bốn năm sau, trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - ngày non sông thu về một mối, tháng 2/1975, anh lại vinh dự được Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba. Và từ đó cho đến ngày thống nhất đất nước, gia đình cụ H mỗi lần nhìn hai tấm Huân chương như thấy con trai mình đã hoàn toàn mất tin tức, không ai còn nói về người con của hai cụ. Nhiều năm liền, cụ Nguyễn Đình H gửi đơn, đồng thời cầm hai tấm Huân chương trên tay trực tiếp đến các cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh Hà Tĩnh đề đề nghị tìm tung tích và công nhận liệt sĩ cho anh N, nhưng không hiểu sao hoàn toàn không có kết quả.

Cho tới khi chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công với cách mạng ra đời. Ngày 18/8/1999 (sau gần 30 năm nhận tin anh N hy sinh), cụ H đã tìm tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh với những niềm hy vọng cuối cùng để được giúp đỡ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy tặng liệt sĩ cho anh Nguyễn N để anh được đất nước vinh danh vì sự hy sinh cả tuổi thanh xuân và cuộc đời của mình.

Đến hành trình thực hiện trợ giúp pháp lý

Với hồ sơ vỏn vẹn chỉ có hai tấm Huân chương, tấm nào cũng được ghi trang trọng “Liệt sĩ Nguyễn N”, sự hy sinh đã qua 30 năm, còn nỗi đau chưa rõ anh ngã xuống nơi đâu, cộng thêm sự khắc khoải vì sự hy sinh vì sao vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ ?! Nghe cụ H vừa trình bày vừa tâm sự nỗi niềm với khuôn mặt héo úa của đợi chờ và sự đớn đau khôn cùng chất đầy theo năm tháng, anh chuyên viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý tự kìm chế lòng mình, an ủi, chia sẻ với nỗi đau kéo dài của cụ, thầm hứa sẽ nỗ lực tìm đến sự thật. Do tình hình sức khỏe và điều kiện khó khăn nên cụ H đề nghị Trung tâm cử người đại diện cho cụ để làm việc với các cơ quan chức năng, cũng như hoàn thành hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền công nhận liệt sĩ cho anh N. Được lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý cử về tận xã Cẩm Yên - quê anh N để tìm hiểu, chuyên viên trợ giúp pháp lý đã gặp những người cao tuổi và các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, tiếp xúc với các hội viên Hội cựu chiến binh của xã, tất cả đều khẳng định, việc đồng chí Nguyễn N nhập ngũ năm 1968, tham gia chiến đấu ở chiến trường B và sau ngày chiến thắng 30/4/1975 đến nay, gia đình cũng như địa phương không nhận được tin tức gì về anh.

Tìm hiểu các quy định pháp luật của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với người có công với nước qua các thời kỳ, có thể thấy rằng, đây là một trong những trường hợp đặc biệt bị sót lại sau chiến tranh kết thúc. Tại thời điểm này, có Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 29/8/1994 và Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh, Thông tư liên bộ số 16/1998/TTLB-LĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ.

Để làm rõ quá trình phục vụ và chiến đấu của anh N, ngày 21/8/1999, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã gửi Công văn số 29/CV-TGPL đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Hà Tĩnh, Phòng LĐTBXH huyện Cẩm Xuyên để biết thêm một số thông tin liên quan về bản thân anh Nguyễn N. Không lâu sau đó, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh và Phòng LĐTBXH huyện Cẩm Xuyên đều có công văn phúc đáp. Theo đề nghị của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các cơ quan của ngành LĐTBXH cũng như Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã phải vào cuộc để xác minh và hoàn tất các thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh N.

Đồng thời, cán bộ TGPL lại lặn lội về quê anh tìm lại những đồng đội cũ - những người đã nhập ngũ cùng ngày ấy với anh. Gặp những người lính may mắn trở về, họ cũng trăn trở, cũng băn khoăn vì sao anh là liệt sĩ mà chưa được công nhận. Tràn đầy niềm hy vọng, với trách nhiệm đối với người đồng đội đã hy sinh, họ đã nhanh chóng hoàn thành việc xác nhận và làm chứng cho anh N có cùng thời gian nhập ngũ. Lại một quãng thời gian trôi đi, với những nỗ lực của Trung tâm TGPL cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh N từng bước được hoàn thiện từ việc ký giấy báo tử, tờ khai giấy chứng nhận thân nhân của gia đình liệt sĩ... và những thủ tục hành chính khác. Đồng thời, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh cũng khẩn trương lập danh sách và hồ sơ để gửi về Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho anh N.

Niềm an ủi muộn màng

Lặng lẽ khắc khoải trông chờ hồi âm và sự đền đáp hy vọng lớn lao về sự vinh danh của đất nước đối với người con trai đã hy sinh cho đất nước đến với cụ vào ngày 15/2/2001, tức là sau hơn một năm kể từ ngày cụ đến với TGPL. Anh Nguyễn N đã chính thức được công nhận là liệt sĩ và gia đình cụ H đã được đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đầu năm 2007, nhân dịp về lại xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên trong một đợt truyền thông và TGPL tại cơ sở, chúng tôi - những cán bộ của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã được bà Nguyễn Hồng (con gái cụ H) rưng rưng nước mắt cho biết, từ ngày anh trai chị được công nhận là liệt sĩ thì hai cụ như đã được giải tỏa một món nợ lớn với con trai, đã khỏe khoắn lên rất nhiều, các chế độ ưu đãi của Nhà nước theo quy định, ông bà đều được hưởng đầy đủ. Ở địa phương, các đồng chí trong Lãnh đạo Đảng chính quyền cũng thường xuyên thăm hỏi, quan tâm đến gia đình.

Suy nghĩ của người trong cuộc

Đây là một vụ việc TGPL được thực hiện theo hình thức đại diện, có tính chất hết sức phức tạp bởi vì sự việc xảy ra đã lâu và trước đó gia đình đã gửi đơn kiến nghị, khiếu nại khắp nơi mà không có kết quả. Vì vậy, việc tiếp nhận, TGPL nguyện làm được cho người liệt sĩ, vừa là một nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề bảo đảm công bằng, công lý. Khác với những trường hợp TGPL khác, ở đây, bản thân cụ H - người yêu cầu TGPL tuổi đã quá cao, trí nhớ không còn minh mẫn, vì vậy nếu như các chuyên viên của Trung tâm cũng chỉ tiến hành tư vấn pháp luật cho cụ H như những người bình thường khác thì cụ sẽ chẳng thể hiểu nổi những quy trình, thủ tục quá phức tạp về công nhận liệt sĩ và nỗi đau của người cha liệt sĩ chưa biết đến khi nào mới gỡ nổi. Chính vì vậy, việc Trung tâm cử chuyên viên đứng ra đại diện cho cụ H để giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân là việc làm hết sức kịp thời.

Thiết nghĩ, trong cuộc sống còn nhiều việc mà người dân còn cần đến hơn thế nữa. Nhà nước kiến tạo là yêu cầu trước mắt và lâu dài để mang lại quyền lợi thiết thực cho người dân. Thiết nghĩ, những người thực hiện trợ giúp pháp lý cần chuyển mình mạnh mẽ, luôn nâng cao phẩm chất chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân trong tình hình mới. Để rồi mỗi chúng ta cùng nhau thắp sáng niềm tin TGPL “Luôn luôn đi cùng dân”.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Lễ ký kết kế hoạch liên tịch thực hiện chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại TAND trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Chiều ngày 16/9, Hội đồng phối hợp liên ngành (HĐPHLN) về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng tổ chức Hội nghị Sơ kết Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Tại Hội nghị, Sở Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch liên tịch thực hiện Chương trình phối hợp về người thực hiện TGPL trực tại TAND trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự lễ ký kết có đồng chí Lê Viết Hồng - Chủ tịch HĐPHLN, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Hà Ngân - Phó Chánh án TAND tỉnh.