09/05/2022
Xử lý vi phạm hành chính khi thả rông trâu bò nơi công cộng
Câu hỏi.
Hàng xóm nơi tôi sinh sống có nuôi 3 con bò và thường thả rông, bò đi lại tự do trên các tuyến đường trong xã, phá phách vườn tược của những người khác, nhiều lần tôi có ý nhắc nhở, nhưng hàng xóm không nghe. Tôi rất mong chương trình cho tôi biết thả rông trâu, bò nơi công cộng thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? Trong trường hợp trâu bò gây tai nạn cho người đi đường thì chủ sở hữu có phải bồi thường không?
Trả lời.
- Về xử phạt vi phạm hành chính khi trâu bò thả rông nơi công cộng
Tại khoản 1 điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình có quy định hành vi mức phạt vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
2. Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;
3. Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.
Đối chiếu với quy định định này, thì việc thả rông trâu bò nơi công cộng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
- Về bồi thường thiệt hại do trâu, bò gây tai nạn cho người đi đường
Tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do gia súc gây ra như sau:
1.Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Đối chiếu với quy định này nếu trâu bò thả rông gây thiệt hại cho người đi đường thì chủ sở hữu trâu, bò phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người đi đường./.
Quốc Hoàng