Xây dựng hương ước - Hạn chế, vướng mắc và kiến nghị

         Hương ước đã tồn tại khá lâu dài và có những bước phát triển thăng trầm trong đời sống xã hội của nước ta từ xưa đến nay. Trong xã hội phong kiến thì Hương ước là bản ghi chép đầy đủ nhất hệ thống lệ làng và được người dân trong làng chấp hành nghiêm túc, có nhiều nơi còn được coi trọng hơn cả các quy định của triều đình. Sau Cách mạng tháng Tám, Đảng và Nhà nước ta không chủ trương xây dựng và thực hiện hương ước, vì cho rằng đây là tàn dư của chế độ phong kiến không nên có trong đời sống xã hội mới.

        Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã khởi xướng đường lối đổi mới, đem lại nhiều chuyển biến tích cựctrong đời sống kinh tế - xã hộiở   nước ta, kéo theo đó là phát sinh những vấn đề trong xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn đòi hỏi phải có hương ước để điều chỉnh các mối quan hệ mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư.  Tại Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá VII),ngày 10/6/1993,về Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn đã đề ra nhiệm vụ: “Phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp, thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, phát huy tình làng nghĩa xóm, khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước về nếp sống văn minh thôn, xã”; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 V/v xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; Liên Bộ Tư pháp – Bộ Văn hóa- Thông tin - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cóThông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN, ngày 31/3/2000, hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư (sau đây gọi là Thông tư 03), Thông tư số 04/2001/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBMTTQVN-UBQGDS sửa đổi, bổ sung Thông tư 03. Đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đã thực hiện xây dựng hương ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư (sau đây gọi chung là thôn).

        Việc xây dựng và thực hiện hương ước đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính tự chủ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy được dân chủ tại cơ sở, hạn chế được các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự, an ninh tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước đã phát sinh một số hạn chế, như:

        1. Một số địa phương đang hành chính hóa việc xây dựng hương ước. Xem việc xây dựng hương  ước là của cán bộ thôn, xã mà chưa có sự tham gia tích cực của người dân. Vì vậy, nội dung hương ước thường rập khuôn, cứng nhắc, không thể hiện được nét đặc trưng của thôn, cũng như chưa thực sự sát với đời sống của người dân, do đó hầu như nhân dân trong thôn không quan tâm và hạn chế tính khả thi của hương ước. Có nhiều trường hợp xây dựng hương ước chỉ nhằm đối phó khi có đoàn kiểm tra từ cấp trên hoặc để bình xét các danh hiệu, sau đó được cất trong tủ.

         2. Nội dung hương ước dài dòng và lặp lại hầu hết các quy định của pháp luật. Tồn tại hạn chế này cũng do cách hiểu của một số địa phương cho rằng, hương ước là của cộng đồng dân cư nên đưa vào tất cả những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của dân cư, miễn là không trái với quy định của pháp luật, bên cạnh đó thì tại Thông tư 03 cũng không xác định rõ vấn đề này. Do đó nhiều địa phương đưa các nội dung mà pháp luật đã quy định vào hương ước dẫn đến hương ước thường dài và khó nhớ.

       3. Vẫn còn có những nội dung trái pháp luật, những nội dung này thường không nhiều vì phần lớn các hương ước đã qua kiểm duyệt của cả xã và huyện. Việc xảy ra tình trạng này thường là do chủ quan của các cán bộ thực hiện việc kiểm tra, thẩm định hương ước.

      4. Quy định các chế tài xử phạt nặng nề. Việc quy định chế tài nặng thường chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực dân số, gia đình, ví dụ như sinh con thứ 3 thì phạt 1 triệu đồng, do các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa đầy đủ nên một số địa phương sử dụng hương ước như một công cụ để hạn chế việc sinh con vi phạm chính sách dân số.

      5. Việc thực hiện phê duyệt hương ước, quy ước chưa đúng quy định, như do UBND huyện phê duyệt trong khi thẩm quyền là của Chủ tịch UBND huyện; UBND cấp xã, cấp huyện ký đóng dấu vào trong hương ước; không có quyết định phê duyệt hương ước.

      Bên cạnh đó thì trong quá trình xây dựng hương ước cũng gặp một số vướng mắc như:

     Thứ nhất, hiểu không thống nhất nội dung của hương ước theo hướng dẫn tại Thông tư 03, cụ thể:

     1. Thông tư quy định “Lập, thu chi các loại quỹ trong khuôn khổ pháp luật và phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân”. Tuy nhiên, hiện có nhiều cách hiểu khác nhau: có ý kiến coi đây là các quỹ tự nguyện theo quy định tại các văn bản của cấp trên và thôn cụ thể hóa mức đóng góp, cách quản lý thu, chi (ví dụ quỹ khuyến học, …); có ý kiến hiểu thôn được phép đặt ra các loại quỹ trên cơ sở thỏa thuận của nhân dân và một loại ý kiến khác thì cho rằng thôn không được phép đặt ra các loại quỹ trong hương ước vì theo quy định tại Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thì các khoản đóng góp của nhân dân do nhân dân bàn và quyết định trực tiếp còn hương ước là do nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định.

     2. Việc áp dụng các biện pháp phạt theo quy định tại Thông tư cũng có nhiều cách hiểu khác nhau: có ý kiến cho rằng có thể phạt tiền hoặc các hình thức phạt khác như phạt ngày công lao động hoặc phạt bằng các sản phẩm nông nghiệp, …; có ý kiến lại cho rằng không được phép phạt bằng tiền.

     Thứ hai, thiếu kinh phí cho việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước. Hầu hết kinh phí hoạt động của các thôn là rất khó khăn, trong khi đó để xây dựng được hương ước phải qua rất nhiều lần thảo luận, xin ý kiến; sau khi hương ước được phê duyệt để người dân chấp hành tốt thì hầu hết các thôn đều phải nhân bản để gửi cho các hộ gia đình, …

     Thứ ba, các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể cơ quan nào chủ trì tham mưu giúp UBND các cấp trong việc quản lý hoạt động này, dẫn đến có sự đùn đẩy trách nhiệm và bỏ rơi việc theo dõi, chỉ đạo kiểm tra công tác này.

     Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:

     Một là, khi xây dựng cần xác định rõ các nội dung của hương ước không lặp lại quy định của pháp luật. Vì những vấn đề đã có pháp luật điều chỉnh thì toàn dân phải thực hiện, hương ước chỉ hỗ trợ cho hoạt động quản lý nhà nước nên chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội mang tính tự quản tại thôn mà pháp luật không điều chỉnh đến hoặc những tập quán chỉ riêng có ở thôn đó; xác định rõ việc quy định về lập quỹ ở thôn phải theo đúng nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch và các biện pháp xử phạt tiền, phạt bằng vật chất chỉ được áp dụng khi đã áp dụng các biện pháp khác mà không hiểu quả.

     Hai là, đề nghị quy định cụ thể cơ quan chủ trì tham mưu giúp UBND các cấp trong công tác này và tăng cường các hoạt động tập huấn về xây dựng và thực hiện hương ước cho các địa phương và hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động xây dựng, thẩm định, kiểm tra hương ước, quy ước.

     Ba là, UBND các cấp cần thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về xây dựng và thực hiện hương ước tại địa phương, trên cơ sở đó chẩn chỉnh các sai sót và hướng dẫn , giúp các thôn phát huy hơn nữa tác động tích cực của hương ước đối với đời sống xã hội

    Bốn là, cần có văn bản liên bộ, ngành sửa đổi các văn bản QPPL hiện hành về hương ước, quy ước để phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Đặc biệt là cần có những nghiên cứu chuyên sâu về nội dung này để đảm bảo hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện hoàn cảnh trong tình hình hiện tại và phát huy được giá trị vốn có của nó./.

Như Quỳnh

 TIN TỨC LIÊN QUAN