> Tin tức - Sự kiện > Hoạt động Tư pháp

30/06/2023

Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định chính sách dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều đó đã được khẳng định trong Hiến pháp, pháp luật, nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam và đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trợ giúp pháp lý (TGPL) được xác định là chính sách ưu đãi giành cho đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, Được sự quan tâm, chỉ đạo của BộTư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh (Trung tâm) đã chủ động, kịp thời triển khai các hoạt động TGPL cho người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tham dự Hội nghị đánh giá, đề xuất giải pháp triển khai nội dung TGPL trong Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030.

 Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đã hoàn thành 487 vụ việc tham gia tố tụng, trong đó tham gia tố tụng bào chữa bảo vệ 14 vụ việc thuộc người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức 405 cuộc truyền thông về TGPL để giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL giới thiệu các nội dung pháp luật cơ bản, thiết yếu như: pháp luật về Dân sự; Hình sự; Đất đai; Hôn nhân và gia đình; các Chế độ chính sách, Bảo trợ xã hội…. Đồng thời, đã biên tập, in ấn và cấp phát miễn phí hơn 121.000 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật thiết yếu. Xây dựng chuyên mục phát thanh “TGPL với người dân” để giới thiệu các chủ trương, chính sách pháp luật mới của Đảng, Nhà nước, câu chuyện pháp luật liên quan đến người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nâng cấp, cải tiến đường dây nóng tiếp nhận thông tin về yêu cầu TGPL của người dân nói chung và người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nói riêng. Trung tâm đã rà soát, cập nhật danh sách người thực hiện TGPL niêm yết tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn. Lắp đặt Bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam công an tỉnh nhằm giúp cho người được TGPL trong đó có người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo dễ dàng tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí. Đặc biệt, Trung tâm đã phát các Phóng sự do Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Trung tâm xây dựng dựa trên các vụ việc TGPL có thật do các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký cộng tác viên thực hiện.

Ảnh: Truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại cơ sở 

Có thể thấy, công tác TGPL cho người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh chất lượng vụ việc ngày càng tăng, 100% người dân tộc thiếu số được TGPL khi có yêu cầu, giúp cho người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế những phát sinh mâu thuẫn, giúp người dân nâng cao ý thức, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Đồng thời, hỗ trợ chính quyền cơ sở trong việc ổn định trật tự xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự Lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Quá trình thực hiện TGPL cho người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Trung tâm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, đa phần người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại khó khăn. Một số bộ phận người dân tộc nói, đọc và viết tiếng Việt còn hạn chế và tâm lý ngại tiếp xúc với người lạ nên ít được tiếp cận các thông tin, chính sách pháp luật của Nhà nước nên chưa tiếp cận đầy đủ chính sách TGPL.

Thứ hai, người thực hiện TGPL không biết tiếng người dân tộc thiếu số và chưa hiểu hết được phong tục tập quán của người dân tộc thiếu số mà phần lớn phải trao đổi thông qua người phiên dịch nên người thực hiện TGPL gặp khó khăn trong việc trao đổi, tiếp nhận thông tin, nghiên cứu hồ sơ...

Thứ ba, cơ chế thống kê người dân tộc thiếu số trên địa bàn tỉnh còn chưa thống nhất giữa giữa các cơ quan, ban ngành.

Thứ tư, điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí cấp cho Trung tâm còn hạn chế để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện TGPL cho người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về TGPL cho người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khănvới nội dung phong phú, hình thức đa dạngnhư cấp phát tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật, cấp phát đĩa Chương trình phát thanh “TGPL với người dân”, để nâng cao nhận thức pháp luật cho ngườidân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn biết và liên hệ đến Trung tâm khi có vướng mắc pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông để tăng cường khả năng tiếp cận TGPL cho người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, UBND các cấp, Công chức Tư pháp - Hộ tịch, các tổ hòa giải, già làng, trưởng bản, người có uy tín…. Qua đó để kịp thời phát hiện, thông tin về nhu cầu TGPL của người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, chú trọng nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL bằng việc xây dựng các chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện TGPL về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho người dân tộc thiếu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ tư, quan tâm, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí thực hiện công tác TGPL theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi.

           Lê Quế

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN