14/06/2023
Kết quả sau 05 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Trợ giúp viên pháp lý truyền thông về trợ giúp pháp lý tại huyện Lộc hà
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tăng cường tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng để người dân, người được trợ giúp pháp lý dễ dàng tiếp cận chính sách trợ giúp pháp lý. Do đó, sau khi Luật Trợ giúp pháp lý 2017 được ban hành, từ tháng 12/2017 đến nay, Trung tâm TGPL đã tham mưu Sở Tư pháp tổ chức nhiều Hội nghị, Toạ đàm quán triệt nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý 2017, với sự tham dự của thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành, người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, Lãnh đạo các Sở, ban, ngành có liên quan, cán bộ, viên chức trên địa bàn tỉnh...
Trợ giúp viên pháp lý tư vấn, hướng dẫn pháp luật tại huyện Cẩm Xuyên
Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/5/2023, Trung tâm TGPL phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện thành công 737 cuộc truyền thông và tư vấn pháp luật tại cơ sở thu hút hơn 35.000 người tham gia. Qua đó, đã giới thiệu về các nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 như: Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL,... Biên soạn, in ấn, cấp phát miễn phí hơn 187.000 tờ rơi, tờ gấp về trợ giúp pháp lý, tài liệu pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật thiết yếu cho người dân, người được TGPL. Lắp đặt 153 Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng, UBND các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL phối hợp với các cơ quan truyền thông đăng tải các tin, bài, câu chuyện pháp luật, các bài về nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về TGPL, các giải pháp để thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý; phổ biến Luật TGPL 2017 trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh, Báo Pháp luật Việt Nam. Biên soạn 117 chuyên mục phát thanh “Trợ giúp pháp lý với người dân” in đĩa CD cấp phát cho các xã, phường, thị trấn trên hệ thống loa truyền thanh nhiều nội dung phong phú, sát thực với nhu cầu người dân trong từng tháng, từng quý.
Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ án Hình sự
Chú trọng thực hiện trợ giúp pháp lý từng vụ việc cụ thể, từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/5/2023, Trung tâm TGPL thực hiện 4.426 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó: 3.350 vụ việc tư vấn pháp luật, 1.068 vụ việc tham gia tố tụng, 08 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Đặc biệt, vụ việc tham gia tố tụng tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ trước khi Luật TGPL 2017 có hiệu lực. Số lượng vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng tăng cao, nhiều vụ việc các ý kiến tranh tụng cũng như các đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đã được Tòa án chấp nhận, bảo đảm được tính khách quan trong quá trình điều tra, tuy tố, xét xử vụ án. 100% Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL đạt chỉ tiêu về vụ việc tham gia tố tụng theo quy định của Bộ Tư pháp, đặc biệt, năm 2022, có 6/7 Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu tốt.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý luôn được quan tâm. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm TGPL đã tổ chức 05 cuộc tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tham gia tố tụng các vụ án dân sự, hình sự, hành chính cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, chuyên viên pháp lý, cộng tác viên pháp lý. Qua đó, các Học viên đã được trao đổi chuyên sâu các kỹ năng tham gia tố tụng, kỹ năng cập nhật pháp luật nội dung cũng như pháp luật hình thức để tham gia bào chữa, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng nâng cao, nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý thường xuyên được củng cố, tăng cường.
Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được triển khai, công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ngày càng được đẩy mạnh. Đặc biệt khi thực hiện các văn bản liên quan đến Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý giữa các Ngành Thành viên ngày càng có sự gắn kết, phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình. Các thủ tục để người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng được giải quyết theo đúng thời hạn, thẩm quyền quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho người được TGPL. Đồng thời, để công tác phối hợp được triển khai đồng bộ, có hiệu quả hơn, Trung tâm đã tham mưu tổ chức ký kết Kế hoạch liên tịch tổ chức triển khai thực hiện chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân; tham mưu tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Tư pháp về việc thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, Trung tâm đã hoàn thiện điểm cầu đặt tại Trung tâm TGPL trong phiên tòa xét xử trực tuyến và là Trung tâm Trợ giúp pháp lý đầu tiên trên cả nước phối hợp với Toà án tổ chức thành công 02 phiên toà xét xử trực tuyến.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh là Trung tâm đầu tiên trong cả nước phối hợp tổ chức thành công phiên toà xét xử trực tuyến
Có thể nói, sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực, nhận thức của chính quyền, ban, ngành đoàn thể và các tổ chức, cá nhân về công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã nâng lên, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp tích cực với Trung tâm TGPL trong việc trợ giúp pháp lý tại cơ sở hoặc phối hợp cung cấp thông tin vụ việc, thông tin người được trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Trung tâm đảm bảo bào chữa, bảo vệ đúng quy định quyền được TGPL của người dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý. Đã xây dựng được đội ngũ người thực hiện TGPL chuyên trách, chuyên nghiệp đảm bảo tính chủ động, giúp bảo vệ công lý, công bằng xã hội, tăng cường hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Vị trí, vai trò của công tác TGPL tiếp tục được củng cố, tăng cường, ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành Tư pháp, công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.
Phan Ngọc Trâm
Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh