> Tin tức - Sự kiện > Hoạt động Tư pháp

13/09/2023

Trợ giúp pháp lý trong tố tụng tại Hà Tĩnh - Thực trạng và giải pháp

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta trong tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và an sinh xã hội. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhần dân và hội nhập quốc tế yêu cầu Nhà nước phải quan tâm đến người nghèo, đối tượng yếu thế để họ được tiếp cận pháp luật và công lý một cách bình đẳng là một nhu cầu cấp thiết, khách quan.

Sau gần 6 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và 05 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, công tác trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả thiết thực, đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Trợ giúp pháp lý trong tố tụng là một trong những hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý có hiệu quả cao, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, vì vậy, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Hội đồng Phối hợp liên ngành Trung ương, Cục Trợ giúp pháp lý-Bộ Tư pháp, UBND tỉnhsự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm nên số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng ngày càng tăng, năm 2019 tăng 13 vụ việc so với cùng kỳ năm 2018, năm 2020 tăng 35 vụ việc so với năm 2019, năm 2022 tăng 34 vụ việc so với năm 2021.

Qua phản hồi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng như người được trợ giúp pháp lý, kết quả cho thấy các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng và đầy đủ quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và quy định pháp luật tố tụng. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL đã chú trọng nâng cao kỹ năng tham gia tố tụng gắn với hiệu quả từng vụ việc, từng diện người được TGPL. Số vụ việc Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL không chỉ tham gia trong các vụ án hình sự mà còn cả các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình

Chủ tịch HĐPHLN về TGPL trong hoạt động tố tụng tặng giấy khen cho các đồng chí có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp TGPL

Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao, sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL góp phần đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ việc, từ đó đề xuất xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, nhiều vụ việc, các ý kiến tranh tụng cũng như các đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL đã được Tòa án các cấp chấp nhận xem xét giảm hình phạt tù, được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, đình chỉ trong các vụ án Hình sựvà bảo vệ thành công quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL trong các vụ án Dân sự, góp phần bảo đảm tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Vì vậy, người được TGPL hài lòng về thái độ làm việc, cách thức thực hiện của người thực hiện trợ giúp pháp lý, tạo niềm tin trong Nhân dân nói chung và người được trợ giúp pháp lý nói riêng.

Hội nghị Sơ kết Thông tư liên tịch số 10

Bên cạnh đó, trong năm 2022, thực hiện Chương trình số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về triển khai thực hiện trên toàn quốc về Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân, nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý được tiếp cận sớm với dịch vụ trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã Phối hợp với Tòa án nhân tỉnh ký kết Kế hoạch liên tịch về Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân. Đồng thời là Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đầu tiên trong cả nước thực hiện là điểm cầu thành phần trong việc phối hợp với Tòa án nhân dân trong phiên tòa xét xử trực tuyến. Phiên tòa xét xử trực tuyến đã tạo thuận lợi cho các bên tham gia, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp trong tình hình mới và thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

Trợ giúp viên pháp lý tham gia phiên tòa xét xử trực tuyến 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, cụ thể:

Thứ nhất, việc huy động lực lượng xã hội tham gia thực hiện TGPL gặp nhiều khó khăn, đội ngũ Luật sư tham gia công tác TGPL không nhiều, chỉ 10 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL. Trong đó, trên địa bàn Hà Tĩnh, hiện nay chỉ có 10/54 Luật sư ký hợp đồng tham gia trợ giúp pháp lý (chiếm tỷ lệ 18%), có 01 Luật sư của Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An, 01 Luật sư của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, 01 Luật sư của Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng tham gia TGPL.

Thứ hai, theo quy định của Luật TGPL 2017, người thuộc diện được TGPL được mở rộng, dẫn đến diện người được TGPL trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có số lượng lớn, nhu cầu TGPL ngày càng tăng (trung bình mỗi năm Trung tâm thực hiện hơn 900 vụ việc) nhưng nguồn nhân lực tại chỗ thực hiện TGPL mỏng chỉ có 16 viên chức, không có Chi nhánh TGPL tại các huyện, mỗi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện truyền thông trung bình tại khoảng 30 xã, phường, thị trấn/năm, 150 vụ việc tư vấn, tố tụng/năm, một số vụ việc tham gia tư vấn, tố tụng có tính chất phức tạp phải trải qua nhiều cấp xét xử, giải quyết nên khó khăn trong việc sắp xếp thời gian của Trợ giúp viên pháp lý. Trong khi đó, các Trợ giúp viên pháp lý còn phải thực hiện các công việc chuyên môn khác và tham gia quản lý nên việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, một số cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc có người thuộc diện TGPL chưa giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ của họ nên số lượng vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng tuy đã có xu hướng tăng dần nhưng vẫn còn thấp so với tổng số vụ việc được các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý và đưa ra xét xử. Trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng chủ yếu vào lĩnh vực hình sự, bào chữa cho các bị can, bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại; việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ việc dân sự, hành chính còn ít. Một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện thông tin, thông báo vụ việc có người thuộc diện được TGPL về Trung tâm TGPL hoặc có thông tin, thông báo nhưng số lượng vụ việc còn hạn chế, chưa đầy đủ so với số lượng vụ việc có người thuộc diện được TGPL thực tế.

Thứ tư, diện người được TGPL rộng, tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế: chưa có xe chuyên dùng để làm phương tiện thực hiện các hoạt động TGPL tại cơ sở; phòng tiếp dân, phòng họp và phòng làm điểm cầu thành phần tổ chức phiên tòa trực tuyến sử dụng chung; phòng làm việc chật hẹp. Kinh phí cấp cho công tác TGPL còn hạn hẹp nên việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao chưa cao.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do sự phối hợp còn chưa thường xuyên, một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức được đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL của người dân còn hạn chế do nhận thức của người dân về TGPL còn chưa cao, hiệu quả truyền thông về TGPL và việc lan tỏa tác dụng, đóng góp của công tác TGPL vào cải cách công tác tư pháp và an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội còn ở chừng mực, chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò của công tác này; cơ chế khuyến khích luật sư tham gia TGPL vẫn còn ở mức độ; hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL chưa tương ứng tích hợp với cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, an sinh xã hội... nên chưa thực sự thuận lợi cho người dân đến yêu cầu TGPL; kinh phí dành cho hoạt động TGPL còn chưa bảo đảm, cơ sở vật chất các Trung tâm TGPL nhà nước chưa được quan tâm đúng mức…

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế về trợ giúp pháp lý theo hướng đánh giá việc thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số điều của Luật cho phù hợp với tình hình, yêu cầu từ thực tiễn (như nghiên cứu mở rộng một số đối tượng được trợ giúp pháp lý...); xây dựng Đề án phát triển trợ giúp pháp lý giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có định hướng phát triển, tạo cơ chế đối với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương tương xứng với vị trí là một đơn vị sự nghiệp trọng điểm, nòng cốt cung cấp dịch vụ công thiết yếu của ngành tư pháp. Nâng cao chất lượng và xác định chức danh Trợ giúp viên pháp lý là chức danh tư pháp.

Thứ hai, phát huy cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành trong công tác TGPL, ban hành văn bản chỉ đạo các cán bộ của ngành mình nghiêm túc thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 10. Tăng cường phối hợp giữa các thành viên của Hội đồng PHLN, giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp trong việc thông tin, thông báo vụ việc.

 Thứ ba, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần chú trọng phát hiện và giới thiệu đối tượng được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, bảo đảm 100% đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý có trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng khi có yêu cầu, cơ chế phản hồi thông tin đa chiều, tăng tính chịu trách nhiệm của từng ngành, từng khâu trong việc bảo đảm thực hiện các nội dung phối hợp cho từng cơ quan, tổ chức...

Thứ tư, đa dạng hóa các phương thức truyền thông về TGPL, để người dân, người thuộc diện được TGPL nắm bắt được các thông tin về trợ giúp pháp lý, lựa chọn nội dung phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về hoạt động TGPL với nhiều hình thức như thông qua báo chí, phát thanh truyền hình, Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL, tờ rơi, tờ gấp về TGPL phù hợp với đặc thù từng vùng, tập quán từng địa phương, trình độ dân trí của người dân, làm chuyển biến nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý.

Thứ năm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tố tụng, kỹ năng giải quyết vụ việc cho người thực hiện TGPL qua nhiều hình thức: Đào tạo theo từng đối tượng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa cho các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho người tiến hành tố tụng về trách nhiệm phối hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 10, chú trọng kỹ năng giải thích, hướng dẫn cho người thuộc diện được TGPL về quyền được TGPL.

Thứ sáu, Hội đồng PHLN về TGPL trong tố tụng tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác TGPL trong hoạt động tố tụng tại cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp theo quy định của Thông tư liên tịch số 10, các ngành thành viên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền của từng ngành và kịp thời thông tin, báo cáo kết quả hoạt động cho Hội đồng, qua đó đánh giá về sự phối hợp trong công tác TGPL, phản hồi thông tin, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện.

Thứ bảy, triển khai thực hiện cơ chế người thực hiện TGPL trực ở trụ sở hoặc trực qua điện thoại tại một số cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, nhà tạm giam, tạm giữ, tòa án) giúp có cơ chế để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được tiếp cận sớm với TGPL, đặc biệt là ở những địa phương có tỷ lệ người thuộc diện TGPL cao, điều kiện cơ sở vật chất của các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm, có nguồn nhân lực TGPL từ đó góp phần bảo đảm đáp ứng được nhu cầu TGPL của người dân một cách nhanh chóng và kịp thời nhất.

Thứ tám, vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý, Cổng thông tin điện tử trợ giúp pháp lý; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin theo hướng số hóa cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý để chia sẻ, kết nối, tích hợp dữ liệu người thuộc diện được TGPL với cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, hỗ trợ người dân yêu cầu TGPL trực tuyến, đơn giản hóa và giảm tải thủ tục hành chính trong hoạt động TGPL, tiết kiệm chi phí đi lại, chứng minh thuộc diện đối tượng... Tăng cường phối hợp, kết nối với Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác trong việc áp dụng công nghệ điện tử, chuyển đổi số đối với việc thực hiện TGPL trong tố tụng. Bảo đảm cơ sở vật chất và công nghệ tương thích kịp thời kết nối với Tòa án để thực hiện tranh tụng trực tuyến.

Với những giải pháp trên, trong thời gian tới, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tập trung nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ những người thực hiện TGPL, đặc biệt chú trọng đến hình thức tham gia tố tụng. Bám sát điều kiện thực tiễn để điều chỉnh trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Gắn kết công tác TGPL với các chính sách giảm nghèo, sử dụng có hiệu quả nguồn lực và giúp người dân thụ hưởng các ưu đãi, phấn đấu ngày càng đáp ứng yêu cầu cao hơn về chất lượng, hiệu quả tính chuyên nghiệp, để TGPL luôn là địa chỉ tin cậy cho người dân ./.

Nguyễn Thị Ngọc

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và người tiến hành tố tụng

Thực hiện Kế hoạch số 50/KH-HĐ ngày 2/3/2023 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hà Tĩnh, sáng ngày 22/9/2023 Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và người tiến hành tố tụng.

Trợ giúp pháp lý trong tố tụng tại Hà Tĩnh - Thực trạng và giải pháp

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta trong tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và an sinh xã hội. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhần dân và hội nhập quốc tế yêu cầu Nhà nước phải quan tâm đến người nghèo, đối tượng yếu thế để họ được tiếp cận pháp luật và công lý một cách bình đẳng là một nhu cầu cấp thiết, khách quan.

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý

Thực hiện Kế hoạch số 50/KH-HĐPHLN ngày 02/3/2023 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tiến hành lắp mới và thay thế 17 Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý và cung cấp các biểu mẫu về trợ giúp pháp lý tại một số cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Trại giam Xuân Hà.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hà Tĩnh triển khai điểm cầu thành phần trong tổ chức phiên tòa trực tuyến

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (TGPLNN) tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Tĩnh trong việc triển khai thực hiện phiên tòa trực tuyến. Trong đó Trung tâm xây dựng điểm cầu thành phần, cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia phiên tòa xét xử.