Điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn

Ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 06 chương, 91 điều. Luật này có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có các quy định về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn.

Việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn đã được quy định trong Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn tuy nhiên phạm vi nội dung phải công khai còn hạn chế, chưa phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và các luật chuyên ngành. Hình thức công khai thông tin chưa phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh này, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đã cập nhật, bổ sung các quy định tương ứng trong các luật chuyên ngành, đặc biệt là Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản pháp luật liên quan; bổ sung những quy định cụ thể khác nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công khai thông tin. Do đó việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật này có nhiều điểm mới đang chú ý như sau:

          Mở rộng phạm vi công khai thông tin

          Để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định 14 nhóm nội dung phải công khai ở xã, phường, thị trấn trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật (Theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thì chỉ có 11 nhóm nội dung phải ông khai). Trong đó  một số nội dung phải công khai thông tin được bổ sung như: Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do cấp xã quản lý; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương cấp xã; Thông tin về phạm vi, đối tượng, cách thức bình xét, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian, thủ tục thực hiện phân phối các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa hoặc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn cấp xã; việc quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho các đối tượng trên địa bàn cấp xã; Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trên địa bàn cấp xã… Bên cạnh đó có một số nhóm nội dung phải công khai tuy không phải là nội dung mới nhưng được quy định chi tiết hơn so với Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn như: dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm; Dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã…

          Đa dạng hóa hình thức công khai thông tin

          Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định 10 nhóm hình thức công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn, trong đó có 03 hình thức được kế thừa từ Pháp lệnh thực hiện dân ở xã, phường, thị trấn (Niêm yết; Công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã; Công khai thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến nhân dân). Ngoài 3 hình thức này, Luật bổ sung 7 hình thức công khai thông tin khác như: Đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tửl Gửi văn bản đến công dân; Thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; Thông qua việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã; Thông báo đến tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể cùng cấp khác để tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên ở cơ sở; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố, Các hình thức khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

          Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin

          Theo quy định của Luật này, thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai, Ủy ban nhân dân cấp xã phải tổ chức công khai thông tin.

          Ngoài việc kế thừa quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn về trách nhiệm UBND xã trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện việc công khai thông tin, Luật này bổ sung quy định trách nhiệm sửa đổi, điều chỉnh kịp thời trong trường hợp thông tin đã công khai có sự thay đổi. Bên cạnh đó Luật bổ sung quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của UBND cấp xã khi công dân có yêu cầu theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin đối với những thông tin trong thời hạn công khai nhưng chưa được công khai, thông tin hết thời hạn công khai theo quy định của pháp luật hoặc thông tin đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng người yêu cầu không thể tiếp cận được.

           Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn hết hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành./.

 Thiều Chiên

         

 TIN TỨC LIÊN QUAN