Thực trạng phối hợp thông tin trợ giúp pháp lý đến người dân từ các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc bảo đảm quyền được tiếp cận công lý, được bảo vệ pháp lý cho mọi công dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế không chỉ là yêu cầu chính trị mà còn là trách nhiệm nhân văn, nhân đạo, thể hiện bản chất tốt đẹp của hệ thống pháp luật nước ta. Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách tiêu biểu hiện thực hóa cam kết đó. Tuy nhiên, để chính sách TGPL thực sự đến được với người dân, nhất là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì thông tin về quyền được TGPL phải được truyền tải đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng. Điều đó đặt ra một yêu cầu cấp thiết: phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để bảo đảm người dân thuộc diện được TGPL đều được biết đến, hiểu rõ và chủ động thực hiện quyền của mình.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2011 đến trước khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực, công tác phối hợp cung cấp thông tin TGPL tại Hà Tĩnh còn tồn tại nhiều bất cập. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa có cơ chế phối hợp thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện TGPL. Vai trò điều phối của Sở Tư pháp mới chủ yếu dừng lại ở việc ban hành văn bản hướng dẫn, chưa phát huy được hiệu quả đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào công tác truyền thông, phổ biến pháp luật thông qua hình thức TGPL lưu động. Trung bình mỗi năm thực hiện khoảng 50 cuộc truyền thông tại các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, số lượng này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động TGPL trong tố tụng chưa được đẩy mạnh. Trung bình mỗi năm chỉ thực hiện khoảng 20 vụ việc tham gia tố tụng. Đáng chú ý, phần lớn các vụ việc do luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm đảm nhiệm, trong khi đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý mới chỉ tham gia một số vụ việc dân sự đơn giản hoặc hình sự ít nghiêm trọng. Điều này cho thấy sự hạn chế về nhân lực chuyên môn và cơ chế phối hợp để phát hiện, giới thiệu kịp thời các vụ việc có yếu tố TGPL.

Tuy nhiên, một số kết quả tích cực vẫn được ghi nhận trong công tác phối hợp thực hiện chính sách TGPL. Việc triển khai Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai và tổ chức đồng bộ trên 13 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, huyện Vũ Quang là một trong những địa phương đi đầu trong mô hình Câu lạc bộ TGPL tại cơ sở, góp phần tăng cường nhận thức pháp luật cho người dân yếu thế.

Ngoài ra, Trung tâm đã triển khai phối hợp theo Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP trong lĩnh vực khiếu nại hành chính và Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT về TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2016, Trung tâm còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh thực hiện các đợt TGPL lưu động tại các hội cơ sở, thành lập mạng lưới cộng tác viên là cựu chiến binh ở địa phương (65 người), hỗ trợ tư vấn cho hơn 400 lượt cựu chiến binh.

Về hoạt động phối hợp TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn này nhìn chung chưa rõ nét. Một số cán bộ tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán) có nhận thức tốt đã chủ động thông tin cho Trung tâm cử người TGPL, nhưng đây chỉ là hiện tượng cá biệt. Việc ký kết các quy chế phối hợp với Tòa án, Công an, Viện kiểm sát mới được triển khai thử nghiệm ở một vài đơn vị. Số vụ việc do cơ quan tố tụng giới thiệu còn rất ít: chỉ 10 vụ việc từ cơ quan điều tra và 13 vụ việc từ Tòa án trong năm 2016.

Như vậy, có thể thấy giai đoạn trước năm 2017, công tác phối hợp cung cấp thông tin TGPL tại Hà Tĩnh chủ yếu dựa vào sự chủ động riêng lẻ của ngành Tư pháp và một số cá nhân tích cực, chưa có sự lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị. Các hoạt động tuy có tính sáng tạo, linh hoạt, nhưng chưa đủ mạnh để tạo chuyển biến về chất lượng. Từ năm 2017, với việc Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025, Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg Ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình, hoạt động TGPL tại Hà Tĩnh đã có bước chuyển căn bản về cả thể chế, tổ chức và phương thức phối hợp. Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 332/KH-UBND ngày 05/10/2017 triển khai thực hiện Luật TGPL năm 2017. Từ đây, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị bắt đầu xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phối hợp thông tin, giới thiệu người dân thuộc diện TGPL. Trung tâm TGPL triển khai Quy chế phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh từ năm 2018, đẩy mạnh công tác phối hợp tố tụng và truyền thông. Công tác kiện toàn đội ngũ luật sư ký hợp đồng tham gia thực hiện TGPL được thực hiện nghiêm túc, lựa chọn được 08 luật sư đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện TGPL chuyên sâu.

Từ năm 2020, công tác TGPL tại cơ sở được đẩy mạnh. Trung tâm tổ chức hơn 90 cuộc TGPL lưu động, phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện, khảo sát nhu cầu thực tiễn, xác định địa bàn ưu tiên để truyền thông pháp luật và tiếp nhận vụ việc. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả nổi bật như: Tổ chức 605 cuộc truyền thông pháp luật; Thực hiện 1.382 vụ việc tư vấn pháp luật, trong đó 459 vụ tại cơ sở; Tham gia tố tụng 837 vụ việc, hơn 32% là người nghèo, dân tộc thiểu số; 475 vụ việc được các cơ quan tố tụng giới thiệu; Phát hành trên 250.000 bản tài liệu pháp luật; Duy trì đường dây nóng, hộp tin, bảng tin TGPL.

Bên cạnh việc triển khai độc lập, công tác phối hợp thông tin TGPL ngày càng được lồng ghép sâu rộng trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 như: Chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phòng chống tội phạm (đặc biệt là tội phạm ở người chưa thành niên), và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thông qua việc phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các cấp và các tổ chức đoàn thể, Trung tâm TGPL đã tổ chức hàng trăm đợt truyền thông, tư vấn pháp luật lưu động tại vùng sâu, vùng xa cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, hạn chế vi phạm và khiếu kiện kéo dài. Trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, công tác TGPL được triển khai mạnh mẽ tại trường học và cộng đồng, tập trung vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị xâm hại, vi phạm pháp luật. Các vụ việc đã được phát hiện, can thiệp kịp thời, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho trẻ. Đồng thời, đối với người chưa thành niên bị buộc tội, các Trợ giúp viên pháp lý đã được cử tham gia từ giai đoạn điều tra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng để bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ tâm lý. Trong khuôn khổ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Trung tâm cũng phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc và các già làng, người có uy tín để tổ chức hoạt động TGPL phù hợp với đặc thù văn hóa, ngôn ngữ địa phương, giúp người dân dễ tiếp cận và chủ động hơn trong việc tiếp cận pháp luật.

Vai trò điều phối của Sở Tư pháp ngày càng rõ nét thông qua việc kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành, ban hành các kế hoạch triển khai TGPL gắn với từng chương trình cụ thể, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát định kỳ đối với việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan tiến hành tố tụng, UBND cấp xã và các đơn vị phối hợp. Trung tâm TGPL được đầu tư nâng cấp cả về tổ chức bộ máy, nhân lực và trang thiết bị nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Có thể khẳng định, giai đoạn sau năm 2017, công tác phối hợp cung cấp thông tin TGPL tại Hà Tĩnh đã có sự thay đổi rõ rệt, chuyển từ cơ chế bị động sang chủ động, từ phân tán sang tập trung, từ manh mún sang đồng bộ. TGPL thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống chính sách an sinh pháp lý của tỉnh.

Mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật, nhưng quá trình phối hợp thông tin TGPL tại Hà Tĩnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới, cụ thể như: Một số cơ quan, đơn vị phối hợp chưa đồng bộ, việc cung cấp thông tin về người được TGPL từ một số cơ quan tiến hành tố tụng còn tập trung chủ yếu vào các vụ án hình sự, trong khi đó các vụ việc dân sự, hành chính, nơi người dân yếu thế cũng rất cần hỗ trợ pháp lý lại chưa được chú trọng đúng mức, dữ liệu thông tin chưa cập nhật thường xuyên, nguồn lực triển khai còn hạn chế, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ quyền được TGPL, chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực hiện trách nhiệm phối hợp; Việc thay đổi tổ chức bộ máy hành chính địa phương, sáp nhập, giải thể một số sở, ban, ngành đã làm phát sinh những khó khăn nhất định trong việc xác định đầu mối cung cấp và xác minh thông tin người thuộc diện được TGPL, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai công tác TGPL.

Trên cơ sở nhận diện các hạn chế nêu trên, để công tác phối hợp thông tin TGPL tại Hà Tĩnh phát huy hiệu quả thiết thực, bền vững và thích ứng với bối cảnh mới, cần tập trung triển khai một số nhóm giải pháp cụ thể như: UBND tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp cung cấp thông tin TGPL, nhất là sau khi sáp nhập Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, chỉ đạo lồng ghép nội dung TGPL vào các kế hoạch công tác tư pháp, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, phòng chống tội phạm hằng năm; Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành TGPL, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm thông tin TGPL được thực hiện thường xuyên, có chất lượng. Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa đổi và ký lại các quy chế phối hợp giữa Trung tâm TGPL và các cơ quan tiến hành tố tụng, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội sau khi có nhiều thay đổi khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Nội dung cần quy định rõ trách nhiệm giới thiệu, thời gian, mẫu biểu và chế độ tổng hợp, báo cáo vụ việc; Đa dạng hóa hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, ưu tiên bố trí nguồn lực cho TGPL trong các chương trình mục tiêu quốc gia và từ ngân sách địa phương, đảm bảo kinh phí in ấn tài liệu, truyền thông, tổ chức tập huấn và hỗ trợ triển khai mô hình điểm; Tổ chức tập huấn chuyên sâu, cập nhật chính sách, kỹ năng truyền thông - phối hợp - tư vấn pháp luật cho đội ngũ Trợ giúp viên, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, đoàn thể cấp xã và tăng cường vai trò giám sát và tổng kết thực tiễn.

Với vai trò nòng cốt, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, tham mưu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể để lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc của chính sách TGPL, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình tiếp cận công lý và pháp luật./.

Nguyễn Thị Phương Thảo - TGPL

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN