Vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025
Ngày 19/02/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2025 gồm 07 chương và 50 điều, giảm 01 chương và 93 điều so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (Luật 2025) có nhiều điểm mới so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 (Luật năm 2015), trong đó quy định hoàn thiện hơn về phân quyền, phân cấp và ủy quyền.
Thứ nhất, về phân quyền
Luật năm 2025 quy định rõ việc phân quyền phải bằng luật, nghị quyết của Quốc hội, theo đó, so với Luật năm 2015 quy định việc phân quyền chỉ quy định trong luật thì nay Luật năm 2025 đã bổ sung hình thức văn bản phân quyền bằng nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, Luật quy định cụ thể, đầy đủ hơn về trách nhiệm của chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; được phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội quy định không được phân cấp, ủy quyền. Cơ quan nhà nước cấp trên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát về tính hợp hiến, hợp pháp trong việc chính quyền địa phương các cấp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Thứ hai, về phân cấp
Nếu như Luật năm 2015 quy định cơ quan nhà nước là chủ thể được phân cấp thì Luật năm 2025 quy định cụ thể theo hướng thu hẹp hơn chủ thể được phân cấp chỉ bao gồm UBND cấp tỉnh, cấp huyện; chủ thể nhận phân cấp là cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới. Cụ thể, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình hoặc UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp. UBND tỉnh, UBND cấp huyện phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ mà mình được giao theo quy định của pháp luật để tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ công, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.
Bên cạnh đó, Luật năm 2025 quy định rõ trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện việc phân cấp. Cơ quan phân cấp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, bảo đảm các nội dung phân cấp được thực hiện hiệu lực, hiệu quả; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp trong trường hợp không bảo đảm điều kiện theo quy định. Cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã bảo đảm các điều kiện theo quy định. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan trong phạm vi thẩm quyền của mình rà soát và đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp thẩm quyền kèm theo các điều kiện bảo đảm thực hiện.
So với Luật trước đây, Luật năm 2025 còn bổ sung quy định trường hợp cần phải thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền đang được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mới thực hiện được việc phân cấp thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được phân cấp đề nghị UBND cấp tỉnh điều chỉnh các quy định đó để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, bảo đảm yêu cầu về cải cách hành chính theo hướng giảm thủ tục hành chính, không quy định thêm thành phần hồ sơ, không tăng thêm yêu cầu, điều kiện, thời gian giải quyết thủ tục đang áp dụng. Luật này cũng bổ sung quy định UBND cấp tỉnh xem xét, ban hành văn bản điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp; thực hiện việc công khai thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật và sau đó có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về ngành, lĩnh vực có liên quan về việc điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp tại địa phương mình.
Thứ ba, về uỷ quyền
Luật năm 2025 quy định rõ chủ thể được uỷ quyền và chủ thể nhận uỷ quyền. Theo đó, Luật này đã quy định rõ việc UBND ủy quyền cho Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình hoặc UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới; Chủ tịch UBND ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cùng cấp hoặc Chủ tịch UBND cấp dưới; cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp dưới. Như vậy, nếu như Luật trước đây quy định việc ủy quyền bắt buộc đối với các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền chung thì đối tượng được ủy quyền cũng phải thẩm quyền chung; các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền riêng (cá nhân) thì đối tượng được ủy quyền cũng phải là người có thẩm quyền riêng (cá nhân) thì đến nay theo Luật năm 2025, các đối tượng có thẩm quyền chung (như UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh, cấp huyện) cũng thực hiện việc ủy quyền cho cá nhân (Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc cấp dưới) và ngược lại, điều này tạo sự linh hoạt, hiệu quả cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Luật năm 2025 cũng quy định rõ yêu cầu của việc uỷ quyền và quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan uỷ quyền và cơ quan nhận uỷ quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền. Quy định này nhằm bảo đảm việc uỷ quyền được tiến hành chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát và hạn chế việc uỷ quyền tràn lan. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc ủy quyền và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình ủy quyền, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận ủy quyền thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, thời hạn đã được ủy quyền quy định tại khoản 4 Điều này. Trường hợp việc ủy quyền dẫn đến cần thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền thì thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 13 của Luật này.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận ủy quyền phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn đã được ủy quyền và chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận ủy quyền thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, thời hạn đã được ủy quyền thì chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền không phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, thời hạn đã ủy quyền. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận ủy quyền có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền điều chỉnh nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền; không được ủy quyền tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền.
So với Luật năm 2015, Luật năm 2025 còn bổ sung quy định việc sử dụng con dấu và hình thức văn bản khi thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền nhằm phân biệt giữa uỷ quyền thẩm quyền và uỷ quyền ký văn bản. Cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận ủy quyền sử dụng hình thức văn bản, con dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền, trừ các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.
Như vậy, việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương tại Luật năm 2025 đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn, là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương tại Luật này và các luật chuyên ngành, bảo đảm mục tiêu “mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một cấp chính quyền địa phương thực hiện”, “chính quyền địa phương cấp nào giải quyết sát thực tiễn, hiệu quả hơn thì giao chính quyền địa phương cấp đó thực hiện”./.
Thanh Hoa