Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19/02/2025 và có hiệu lực từ ngày 01/3/2025. Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện nhằm phân định rõ thẩm quyền, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương và khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Tuy nhiên, tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đặt ra mục tiêu, yêu cầu: “Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã, thực hiện mô hình địa phương 02 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đăm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; “...nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương... và hoàn thành sửa đổi, bổ sung pháp luật chậm nhất ngày 30/6/2025”; Kết luận số 130-KL/TW ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện). Vì vậy, phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp (sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013).

         Qua nghiên cứu cho thấy dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính nên cơ bản nhất trí như nội dung dự thảo, ngoài ra xin tham gia một số ý kiến góp ý như sau:

Thứ nhất, tại khoản 6 Điều 10, để đảm bảo đầy đủ các bước từ lập đề án đến thẩm định, thẩm tra đề án, xem xét thông qua, đề nghị sửa nội dung “Việc lập đề án, trình tự, thủ tục xem xét, thông qua đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” thành “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết trình tự thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.

Thứ hai, tại điểm c khoản 2 Điều 11 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.” Do vậy, đề nghị làm rõ, bổ sung khái niệm “được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn” để tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng văn bản.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 13 thì UBND phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình; việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của cơ quan phân cấp. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2025 thì cấp xã (cấp cơ sở) không có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Tư pháp để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

 Thứ tư, tại khoản 5 Điều 14 quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận ủy quyền có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền điều chỉnh nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền. Tuy nhiên, theo điểm a khoản 2 Điều này thì văn bản ủy quyền ngoài việc xác định cụ thể nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền còn có cách thức thực hiện và các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ủy quyền. Do đó, đề nghị sửa theo hướng cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị điều chỉnh các nội dung của văn bản ủy quyền để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền.

 Thứ năm, tại khoản 7 Điều 14 đề nghị bỏ nội dung “công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn ký thừa ủy quyền thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về công tác văn thư”. Vì quy định này không còn phù hợp khi tổ chức của UBND cấp cơ sở bao gồm các cơ quan chuyên môn.

Thứ sáu, tại điểm a khoản 2 Điều 15 đề nghị xem xét sửa thành: “Quyết định biên chê cán bộ, công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp và tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao; quyết định tổng số lượng và mức phụ cấp đối với người làm việc ở các tổ chức cộng đồng dân cư; quyêt định chính sách trọng dung nhân tài, chính sách thu hút, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại địa phương phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương theo quy định của pháp luật” để đảm bảo quy định chặt chẽ việc giao biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước nằm trong tổng số được cơ quan có thẩm quyền giao.

Thứ bảy, Điều 17 về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, đề nghị bổ sung thêm nội dung “Ban hành Quyết định về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản do chính mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật” để đảm bảo đầy đủ. Tương tự bổ sung nội dung này tại Điều 21 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp cơ sở.

Thứ tám, tại điểm b khoản 1 Điều 19 đề nghị nghiên cứu, xem xét không quy định nội dung thẩm quyền của HĐND xã trong việc “Quyết định biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương cấp mình, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo chỉ tiêu biên chế đươc cấp có thẩm quyền giao; quyết định cụ thể số lượng người làm việc ở các tổ chức cộng đồng dân cư trên địa bàn theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền” . Vì trùng lặp về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh liên quan đến nội dung giao biên chế, số lượng người làm việc.

Thứ chín, tại khoản 4 Điều 49 đề nghị sửa thành: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Thường trực Hội đồng nhân dân, các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền…” để các đơn vị có thời gian thực hiện công tác bàn giao do thời điểm chính quyền tại đơn vị hành chính cấp cơ sở mới vừa đi vào hoạt động, khối lượng công việc cần tiếp cận, nhận bàn giao sẽ rất lớn nên cần có thời gian dài hơn để hoàn thành khối lượng công việc.

Hy vọng rằng, với việc sửa đổi một cách toàn diện, sau khi được thông qua, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ góp phần bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở./.

       Hải Giang

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN