Góp ý một số nội dung dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hải Giang

Hiện nay văn bản liên quan đến thực hiện dân chủ cơ sở có 4 văn bản quy định về vấn đề này gồm: Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Các văn bản nêu trên đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước tại thời điểm ban hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế như: nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, chưa thống nhất, đồng bộ, toàn diện; trách nhiệm bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở thiếu cụ thể, thiếu chế tài xử lý; vai trò tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân chưa rõ ràng; sáng kiến của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở sơ sở chưa được đề cao,..Vì vậy, cần phải có môt văn bản có giá trị pháp lý cao hơn đó là Luật để thống nhất đầu mối quy định về thực hiện dân chủ sở nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 Qua nghiên cứu cho thấy, dự thảo tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn, do đó cơ bản tôi cũng đồng tình cao với nội dung dự thảo, ngoài ra, xin có một số ý kiến góp ý như sau:

1.     Về khái niệm dân chủ ở cơ sở

Tên gọi của Luật là thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để thực hiện được dân chủ ở cơ sở thì cần có điều khoản giải thích và làm rõ dân chủ ở cơ sở là gì? Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa đưa ra khái niệm dân chủ ở cơ sở. Do đó, tại Điều 2 dự thảo cần bổ sung quy định về khái niệm dân chủ ở cơ sở.

1.     Về giải thích thuật nhữ “thanh tra nhân dân”

 Khoản 5 Điều 2 giải thích thuật ngữ: Thanh tra nhân dân là hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước” là chưa đầy đủ.  Vì theo quy định của dự thảo thì thuật ngữ Nhân dân chỉ áp dụng trong phạm vi xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư. Còn trong phạm vi cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thì sử dụng thuật ngữ: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Do đó đề nghị chỉnh sửa theo hướng: Thanh tra nhân dân là hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thông qua Ban Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước .

2. Giải thích thuật ngữQuyết định hành chính liên quan đến lợi ích cộng đồng

 Khoản 4 Điều 2 giải thích thuật ngữ “Quyết định hành chính liên quan đến lợi ích cộng đồng là quyết định ban hành hoặc phê duyệt chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường; sức khỏe của cộng đồng; trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác làm ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng”. Tuy nhiên, hình thức ban hành là do cơ quan có thẩm quyền lựa chọn theo quy định nên việc dự thảo quy định các hình thức như quyết định ban hành hoặc phê duyệt chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đề án là không cần thiết. Do đó, đề nghị chỉnh sửa  như sau: Quyết định hành chính liên quan đến lợi ích cộng đồng là Văn bản ban hành có nội dung tác động đến môi trường; sức khỏe của cộng đồng; trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác làm ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng.

3. Quy định về xử lý vi phạm

Tại Điều 8 dự thảo về xử lý vi phạm quy định thành hai khoản, một khoản  quy định việc xử lý đối với công dân, người lao động và người sử dụng lao động tại doanh nghiệp và một khoản quy định xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu vi phạm quy định về thực hiện dân chủ cơ sở. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu nếu vi phạm về thực hiện dân chủ cơ sở thì bị xử lý trách nhiệm dân sự, trong khi dự thảo không đặt ra hình thức trách nhiệm này đối với nhóm đối tượng là công dân, người lao động và người sử dụng lao động tại doanh nghiệp không . Tuy nhiên, pháp luật quy định xử lý thì tất cả các đối tượng đều bị xử lý. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định này.

4. Hình thức văn bản của cộng đồng dân cư

 Khoản 1 Điều 18 quy định: “Hình thức văn bản của cộng đồng dân cư được ban hành dưới hình thức văn bản là Nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư. Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể về hình thức văn bản thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn hình thức văn bản của cộng đồng dân cư phù hợp với nội dung quyết định và phong tục, tập quán, điều kiện thực tiễn của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, quy định trường hợp pháp luật không quy định cụ thể về hình thức văn bản thì trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn hình thức văn bản của cộng đồng dân cư phù hợp với nội dung quyết định và phong tục, tập quán, điều kiện thực tiễn của cộng đồng dân cư là chưa chính xác. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung và chỉnh sửa như sau: Hình thức văn bản của cộng đồng dân được ban hành dưới hình thức văn bản là Nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về hình thức văn bản thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn hình thức văn bản nêu trên của cộng đồng dân cư phù hợp với nội dung quyết định và phong tục, tập quán, điều kiện thực tiễn của cộng đồng dân cư”.

5. Về các nội dung công khai

Điều 9, Điều 35 và Điều 45 có liệt kê các nội dung công khai tại xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị và trong doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước). Tuy nhiên, những nội dung thuộc bí mật nhà nước sẽ không được công khai. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa theo hướng loại trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước.

6. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng

 Điều 29 dự thảo quy định về một trong các hình thức Nhân dân kiểm tra đó là thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tuy nhiên, nội dung của dự thảo lại không có các điều khoản quy định về thẩm quyền thành lập, thành phần, cách thức hoạt động. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung này.

7. Về kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở Cơ quan đảng, đơn vị sự nghiệp trực của đảng; tổ chức chính trị - xã hội

Nội dung dự thảo quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, ở cơ sở ngoài cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp còn có cơ quan đảng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc của đảng; tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, tại dự thảo chưa có quy định việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở Cơ quan đảng, đơn vị sự nghiệp trực của đảng; tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, đề nghị bổ sung điều khoản quy định về nội dung này.

8. Về giao nội dung quy định chi tiết

Tại khoản 2 Điều 65 quy định về trách nhiệm của HĐND cấp xã “Quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ trong phạm vi địa bàn cấp xã” ;  Điều 69 dự thảo quy định thẩm quyền của UBND tỉnh: “Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn”. Tuy nhiên, đây là nội dung giao địa phương quy định chi tiết, nhưng quy định này khó triển khai thực hiện, vì giao chung chung, không chi tiết, cụ thể. Qua tham khảo ý kiến Bộ Tư pháp cho thấy địa phương quy định biện pháp để thực hiện thì cũng phải phù hợp với quy định của Trung ương. Những biện pháp trung ương đã có mà địa phương quy định lại thì không cần thiết và trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (văn bản không được quy định lặp lại văn bản trung ương), còn những biện pháp khác ngoài luật thì trái. Dó đó, đề nghị bỏ quy định này./.

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật Viên chức là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Hiện nay, ngoài Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì một số văn bản chuyên ngành cũng có quy định về đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số chồng chéo, vướng mắc cụ thể:
Ngày 01/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. So với quy định hiện nay, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP có một số điểm mới như sau:
Năm 2023 với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Công tác cải cách hành chính được các sở, ban, ngành và địa phương chủ động thực hiện nghiêm túc và kết quả của hoạt động này được đánh giá theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 3208/QĐ-UBND ngày 05/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy chế và Bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, kết quả chấm điểm cải cách hành chính năm 2023 đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả chỉ số CCHC đối với cấp sở, UBND cấp huyện và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả chỉ số CCHC của UBND cấp xã thuộc phạm vi quản lý.
Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khoá XV thông qua vào ngày 18/01/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Luật gồm 16 chương và 260 điều (tăng thêm 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013) với nhiều điểm mới quan trọng, đã thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
Vừa qua, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tiếp tục được Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý. Đối với dự thảo lần này, xin có một số ý kiến góp ý như sau:
Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và là cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong giai đoạn 2009-2023, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về an toàn giao thông, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động góp phần tuyên truyền pháp luật về ATGT cho cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.