Hệ lụy của người bị trầm cảm sau sinh

 

 

Kim Oanh

Thời gian gần đây, tại Hà Tĩnh cũng như tại nhiều địa phương trong cả nước, liên tiếp chứng kiến những vụ việc đau lòng liên quan đến hành động sát hại con của các bà mẹ. Theo kết quả điều tra, thì phần lớn bà mẹ có hành động này đều liên quan đến yếu tố trầm cảm sau sinh. Rõ ràng trầm cảm nói chung, trầm cảm sau sinh nói riêng, từ chỗ là một bệnh lý đã trở thành một vấn đề xã hội, khi số lượng người bị bệnh không ngừng gia tăng và hệ lụy thì hết sức đau lòng. Vừa qua, tại xã Hương Giang huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh, vụ việc cháu bé sơ sinh 2 tháng tuổi bị giết, điều đau lòng hơn, người ra tay chính là mẹ ruột của bé. Theo điều tra xác minh ban đầu, người mẹ bị nghi ngờ mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

 Theo số liệu thống kê của Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thì phải có đến 30% dân số Việt Nam có biểu hiện mắc các rối loạn tâm thần, trong đó 25% mắc chứng bệnh trầm cảm, trong khi tỷ lệ được điều trị là khá thấp. Theo số liệu tại khoa cấp tính nữ, bệnh viện Tâm Thần Hà Tĩnh thì số ca vào điều trị trầm cảm thường là 30 đến 40 ca một năm. Con số trên thực tế được dự đoán là cao hơn nhiều nhưng lại tự điều trị ở nhà hoặc không được điều trị, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh hiện chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 25% trong vòng 12 tháng sau sinh. Đây là chứng bệnh rất phổ biến và nguy hiểm, người bệnh có thể bị trầm cảm nhẹ, vừa hoặc nặng, thoáng qua hoặc kéo dài, dẫn đến những hành động tiêu cực cho bản thân. Đau lòng hơn họ đã có những hành động mất kiểm soát, thậm chí là tàn độc giã man với chính con đẻ của mình. Trầm cảm sau sinh không chỉ gây ra tình trạng buồn bã, mệt mỏi, lo âu, thiếu tập trung… mà còn sinh ra cảm giác chán ghét, muốn chết hoặc thậm chí là muốn giết cả con mình. Mặc dù hệ quả của căn bệnh trầm cảm là rất nguy hiểm cho chính bản thân người bệnh và cho xã hội. Song dường như tính chất nguy hiểm của căn bệnh này vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng rối loạn cảm xúc thông thường mà hầu hết người thân dễ dàng bỏ qua hoặc không để ý. Thêm vào đó gia đình thường có tâm lý dấu bệnh do những mặc cảm liên quan đến bệnh lý tâm thần. Đó cũng là nguyên nhân vì sao khi người bị trầm cảm gây ra hậu quả thì người thân mới giật mình. Từ những vụ việc như mẹ giết con, mẹ hành hạ con, cho thấy các hành vi phạm tội khi người mẹ có các biểu hiện liên quan đến tâm lý, đặc biệt là trầm cảm đang có nhiều diễn biến phức tạp.

 Từ thực tế, pháp luật cũng đã đưa ra quy định tội “Giết con mới đẻ” trên cơ sơ có nghiên cứu đến yếu tố tâm lý của người mẹ sau sinh. Tội này bị xử dao động từ 6 tháng đến 3 năm, tuỳ mức độ. Tuy nhiên cũng chỉ được áp dụng đối với những bà mẹ phạm tội khi con chưa quá 7 ngày tuổi. Còn nếu phạm tội với đứa trẻ lớn hơn 7 ngày tuổi thì yếu tố giám định tâm thần của người mẹ là yếu tố cốt lõi để xác minh tội.

Trao đổi với luật sư Nguyễn Hoàng, Công ty Luật Mai Sen, thành phố Hà Tĩnh cho biết: Theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì nếu như người mẹ mà giết con dưới 7 ngày tuổi thì quy vào tội giết con mới đẻ và có trường hợp đặc biệt là người mẹ giết con trong tình trạng bị trầm cảm thì cần phải giám định tâm thần người mẹ, nếu như người mẹ không bị tâm thần khi tiến hành hành vi giết con của mình thì vẫn chịu trách nhiệm hình sự với tội giết người, còn khi giám định mà có kết luận người mẹ bị tâm thần khi thực hiện hành vi giết con của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.  Nội dung này căn cứ vào điều 21 Bộ Luật hình sự quy định về Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Trầm cảm nói chung và trầm cảm sau sinh nói riêng đang được xem là căn bệnh của thời kỳ hiện đại. Để ngăn chặn thì mỗi người mẹ cần phải biết tự yêu thương bản thân, tạo cho mình niềm vui trong cuộc sống. Mỗi người chồng, người thân trong gia đình cần gần gũi sẻ chia, động viên và sau nữa xã hội cũng cần phải nhìn nhận căn bệnh này giống như những bệnh lý thông thường, cần được chăm sóc điều trị, tránh sự định kiến, phân biệt, dẫn tới tâm lý mặc cảm, dấu bệnh, tự chữa bệnh để rồi trong một thời điểm mất kiểm soát dẫn đến hành vi đau lòng. Vì vậy, trầm cảm sau sinh có chữa được hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Do đó hãy dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ sau sinh để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có. Hiểu rõ được nguyên nhân và hậu quả của bệnh trầm cảm bản thân mỗi người phụ nữ chúng ta nên có biện pháp phòng tránh và khắc phục căn bệnh này để xây dựng gia đình hạnh phúc./.       

 

 

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN