Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2023

Công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chính vì thế, trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan đến công tác giảm nghèo, vì người nghèo trên địa bàn tỉnh. Hưởng ứng các phong trào thi đua của Trung ương, của tỉnh và từ tình hình thực tiễn của đơn vị, Sở Tư pháp đã phát động và triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Ngành Tư pháp Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025. Để đẩy mạnh thực hiện công tác vì người nghèo, giảm nghèo, hàng năm, Sở đều lồng ghép trong Kế hoạch thi đua - khen thưởng của đơn vị và các Chương trình, Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyên môn,...

Để lan tỏa phong trào thi đua “Ngành Tư pháp Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong toàn Ngành, sau khi phát động, Sở Tư pháp đã thực hiện công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo và các văn bản, đề án, chương trình liên quan mà ngành Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo, tổ chức thực hiện như: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” và các nhiệm vụ được xác định tại Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 367/KH-UBND ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc tổ chức phong trào thi đua “Hà Tĩnh vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, Công văn số 1304-CV/TU ngày 10/11/2022 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về việc thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quyết định số 303/QĐ-BTP ngày 10/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2023 - 2025;…

Với quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp trong thực hiện công tác vì người nghèo nói chung và thực hiện phong trào thi đua Ngành Tư pháp Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía saunói riêng được nâng cao, phong trào vì thế diễn ra sôi nổi và mang đến những giá trị đích thực cho những người yếu thế trong xã hội và cộng đồng.

Nội dung thi đua vì người nghèo của Sở Tư pháp được thực hiện trên 03 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Nâng cao nhận thức trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; Thực hiện các hoạt động xã hội chung tay vì người nghèo. Trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã tích cực triển khai và đều đạt được kết quả tốt trên cả 03 nhóm nhiệm vụ này.

Công tác thẩm định, góp ý văn bản được Sở Tư pháp chú trọng, đặc biệt là các văn bản, đề án có liên quan đến chính sách pháp luật cho người nghèo như pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, pháp luật việc làm, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, pháp luật về bảo trợ xã hội. Trong đó có một số văn bản như: Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025; Quyết định của UBND tỉnh quy định mức và mức chi dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2025; Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và mỗi xã một sản phẩm tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023; Kế hoạch của Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2023 - 2025; Tổ chức và hoạt động của Trung tâm phát triển vì người nghèo huyện Can Lộc;…

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã thực hiện tự kiểm tra 126 văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành từ ngày 01/7/2020 đến ngày 30/12/2022 liên quan đến việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó xác định có 04 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tự kiểm tra đang còn hiệu lực thi hành. Các văn bản này được ban hành đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành, nội dung, thể thức, kỹ thuật trình bày theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người nghèo, hòa giải ở cơ sở gắn với nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện hiệu quả. Sở đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Từ năm 2021 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với các địa phương tổ chức 24 Hội nghị tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên, tuyên truyền viên ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở khu vực vùng sâu, vùng xa, các địa bàn xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

          Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo đặc biệt được quan tâm thực hiện với mục tiêu nâng cao hiểu biết pháp luật, dân trí pháp lý, tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên trong việc tiếp cận pháp luật; đảm bảo các đối tượng là người nghèo được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình. Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, văn bản số 2134/BTP-TGPL ngày 28/6/2022 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn pháp luật cho người nghèo, người được trợ giúp pháp lý tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tổ chức thực hiện thành công 319 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý, kết hợp tổ chức tư vấn pháp luật ở các thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Nhằm giúp người nghèo nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã xây dựng, biên tập, in ấn, cấp phát miễn phí hơn 210.000 tài liệu, tờ gấp về các lĩnh vực pháp luật: trợ giúp pháp lý; đất đai; hôn nhân và gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; chính sách người có công với cách mạng và thân nhân. Với việc đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại trụ sở, cơ sở, đa dạng hóa cách thức thực hiện hoạt động truyền thông đã giúp cho người nghèo, đặc biệt là người nghèo sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn dễ dàng nắm bắt được các thông tin pháp luật, giải quyết những vướng mắc pháp luật, giảm bớt khiếu kiện, khiếu nại, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho người nghèo, người có khó khăn về tài chính đặc biệt được chú trọng và mang lại hiệu quả cao, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng cho người được trợ giúp pháp lý. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 280 người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người có khó khăn về tài chính.

          Trên cơ sở huy động nguồn đóng góp từ toàn thể công chức, viên chức, người lao động cơ quan và các nguồn hợp pháp khác, Sở Tư pháp đã tổ chức hiệu quả các hoạt động hướng về người nghèo. Theo đó, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021, Sở Tư pháp đã trao tặng 106 suất quà trị giá 53 triệu đồng; năm 2022, đã trao tặng 96 suất quà trị giá 48 triệu đồng; năm 2023, đã trao tặng 105 suất quà trị giá 52,5 triệu đồng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động ủng hộ quỹ “Mái ấm công đoàn”, “Bảo trợ trẻ em”, “Ngày vì người nghèo”,… hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp có hoàn cảnh khó khăn được chú trọng thực hiện và trở thành hoạt động thường xuyên của cơ quan.

          Mặc dù còn nhiều khó khăn do Sở Tư pháp là cơ quan hành chính nhà nước, nguồn kinh phí hoạt động có hạn, việc tham gia hỗ trợ người nghèo, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn những khó khăn nhất định, song với việc sử dụng hiệu quả những nguồn lực hiện có và sự chung tay, góp sức của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm với người nghèo và công tác giảm nghèo, góp phần vào quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển địa phương./.

          Ngọc Anh

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN