Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế
Tranh chấp đầu tư quốc tế là tranh chấp phát sinh từ việc nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức được cơ quan nhà nước ủy quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư hoặc hiệp định thương mại hoặc điều ước quốc tế khác có quy định về bảo hộ đầu tư mà Việt Nam là thành viên, trong đó có quy định về việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế hoặc hợp đồng, thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có quy định cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng, thỏa thuận này là trọng tài quốc tế.
Ở nước ta hiện nay trong hệ thống pháp luật mới chỉ có Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế có quy định về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Như vậy, quy định pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế về số lượng, mới chỉ dừng lại ở tầm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg cũng đã được địa phương chú trọng. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các nội dung liên quan đến giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Hàng năm, đã ban hành các kế hoạch về hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế với mục đích tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, tranh thủ các nguồn vốn, khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài; Đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 2021-CTr/TU ngày 06/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong quá trình giải quyết các hồ sơ liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài, các sở, ban, ngành của tỉnh luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế…; hướng dẫn đầy đủ, cụ thể các quy trình thủ tục để tránh phát sinh khiếu kiện, tranh chấp trong nước và quốc tế…
So với các địa phương khác thì ở Hà Tĩnh việc tranh chấp đầu tư quốc tế xảy ra không nhiều. Từ trước đến nay mới chỉ có 01 vụ việc phát sinh, tuy nhiên qua thực tiễn cho thấy vụ việc này rất phức tạp, gây khó khăn lúng túng cho các cơ quan tham mưu trong việc giải quyết vấn đề này. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trên thực tế việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, một số quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp đầu tư theo Luật Đầu tư nhưng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.
Tại điểm đ khoản 2 Điều 69 Luật Đầu tư năm 2020 quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm “xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư” nhưng đến nay chưa có văn bản quy định, hướng dẫn về vấn đề này.
Theo Luật Đầu tư năm 2020 thì có 05 cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp là Tòa án Việt Nam; Trọng tài Việt Nam; Trọng tài nước ngoài; Trọng tài quốc tế; Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập. Tuy nhiên, Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg chỉ áp dụng đối với việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán khác không phải của Việt Nam. Vì vây, đối với các tranh chấp lựa chọn cơ quan khác không phải là trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán khác không phải của Việt Nam thì chưa có quy định về cơ chế phối hợp giải quyết.
Thứ hai, năng lực xử lý các vấn đề tranh chấp đầu tư quốc tế của địa phương còn hạn chế.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg thì cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, ở địa phương, số lượng cán bộ có đầy đủ năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng đối ngoại và kinh nghiệm thực tiễn để có thể tham gia hiệu quả và trực tiếp vào công tác hội nhập quốc tế còn hạn chế dẫn đến khi phát sinh tranh chấp gặp khó khăn trong quá trình đàm phán. Mặt khác, đây là vấn đề phức tạp, địa phương không có kinh nghiệm trong việc đàm phán, xử lý, do đó, địa phương còn khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế liên quan đến Nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg đã bao gồm các nguyên tắc để xác định cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan phối hợp khác cũng như cách thức để các cơ quan này phối hợp giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, chưa có quy định về trình tự, thủ tục, cách thức giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Thứ tư, Một trong các biện pháp phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giữa các cơ quan của Việt Nam hiện nay là thông qua Tổ công tác liên ngành được thành lập theo Điều 15 Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg. Tuy nhiên, chưa có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của các thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành này để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Tổ. Đồng thời, bên cạnh đó, cần nghiên cứu để bổ sung các phương thức phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế khác ngoài Tổ công tác liên ngành nhằm bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời trong giải quyết các tranh chấp này.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2025 - 2030 kèm theo Quyết định số 1364/QĐ-TTg ngày 11/11/2024. Việc thực hiện Kế hoạch này sẽ góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật quốc tế, pháp luật đầu tư quốc tế, phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, trước xu thế chung của thế giới và để chủ động ứng phó với các tranh chấp đầu tư quốc tế có thể phát sinh, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư theo Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg là cần thiết. Qua đó tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động phối hợp trong phòng ngừa và xử lý các tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam của các cơ quan nhà nước./.
Kim Lân