Kỹ thuật soạn thảo một số điều khoản cụ thể trong văn bản QPPL cần lưu ý

Trong việc ban hành văn bản QPPL, không thể phủ nhận vai trò của người soạn thảo văn bản với tư cách là người đặt những “viên gạch đầu tiên” để xây dựng “nền móng” cho dự thảo văn bản QPPL. Để dự thảo văn bản đảm bảo chất lượng, người soạn thảo cần nắm rõ các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Dưới đây là kỹ thuật soạn thảo một số điêu khoản cụ thể mà người soạn thảo (cơ quan soạn thảo) văn bản QPPL của HĐND và UBND cần lưu ý trong quá trình soạn thảo văn bản.

Một là điều khoản về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Việc xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của một văn bản QPPL là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo, người soạn thảo cần xác định rõ mục đích của việc ban hành, nội dung của văn bản để xác định chính xác phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.  Theo đó, phạm vi điều chỉnh của văn bản là các vấn đề được đặt ra và giải quyết trong văn bản đó; còn đối tượng áp dụng là những người thực hiện văn bản sau khi văn bản có hiệu lực, bao gồm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Hai là điều khoản về giải thích từ ngữ

Chỉ quy định về điều giải thích từ ngữ nếu trong một văn bản có những từ ngữ, khái niệm phức tạp nào đó cần phải giải thích, mô tả làm rõ nội dung của từ ngữ, khái niệm đó. Khi trong văn bản sử dụng nhiều lần từ đó và nếu không giải thích thì người tiếp cận văn bản có thể không rõ hoặc hiểu theo nhiều cách khác nhau. Điều khoản giải thích từ ngữ nên đặt ở phần đầu của văn bản; tránh sử dụng quá nhiều khái niệm để giải thích một cụm từ.

Ba là điều khoản quy định về nguyên tắc

Không phải văn bản QPPL nào cũng có quy định về nguyên tắc, tuy nhiên nếu phải quy định nguyên tắc thì người soạn thảo cần lưu ý: Nguyên tắc là những điều cơ bản được đặt ra dựa trên những quan điểm tư tưởng nhất định đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân theo. Nguyên tắc sẽ xuyên suốt toàn bộ hoạt động hoặc toàn bộ quy trình mà nội dung văn bản quy định. Khi viết điều khoản quy định nguyên tắc nên hạn chế đưa chủ thể là con người hay đối tượng lên đầu.

Bốn là điều khoản quy định về thủ tục hành chính

Theo quy định, nghị quyết của HĐND tỉnh được quy định thủ tục hành chính trong trường được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết về biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Còn quyết định của UBND tỉnh, nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã và quyết định của UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được quy định thủ tục hành chính trong trường được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.

Việc quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL cần tuân theo quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 92/2017/NĐ-CP). Theo đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP quy định “Thủ tục hành chính” là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức”.

Khi quy định về thủ tục hành chính phải đảm bảo các yếu tố: Đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện; Phù hợp với mục tiêu quản lý hành chính nhà nước; Bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước; Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của các quy định về thủ tục hành chính và tính liên thông giữa các thủ tục hành chính liên quan.

Việc quy định một thủ tục hành chính chỉ hoàn thành khi đáp ứng đầy đủ các bộ phận tạo thành cơ bản sau đây: Tên thủ tục hành chính; Trình tự thực hiện; Cách thức thực hiện; Thành phần, số lượng hồ sơ; Thời hạn giải quyết; Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính; Trường hợp thủ tục hành chính phải có mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; kết quả thực hiện thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí thì mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; kết quả thực hiện thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí là bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính.

Năm là quy định về hiệu lực thi hành

Khi quy định về hiệu lực của văn bản phải xác định cụ thể ngày, tháng, năm có hiệu lực của văn bản và đảm bảo không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã. Riêng trường hợp nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Không quy định “Nghị quyết/Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày/07 ngày kể từ ngày HĐND thông qua/UBND ký ban hành”, mà quy định “Nghị quyết/Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày…tháng…năm”.

Về cơ bản, người soạn thảo văn bản QPPL có thể xác định được cụ thể thời điểm có hiệu lực của văn bản, tuy nhiên vẫn cần phải chú ý các yếu tố ngoại cảnh tác động. Rất nhiều quy định cần một khoảng thời gian chuẩn bị nhất định để áp dụng. Do đó, cần phải tính toán, cân nhắc về ngày có hiệu lực của văn bản để đảm bảo thực hiện hiệu quả.

Cần đặc biệt lưu ý, nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND các cấp không được quy định hiệu lực trở về trước, tức là quy định nghị quyết, quyết định có hiệu lực trước ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Quy định về chấm dứt hiệu lực của văn bản: Một số văn bản QPPL có tính chất quy định tạm thời hoặc điều chỉnh về những vấn đề phức tạp, thiếu ổn định hoặc người soạn thảo thấy rằng biện pháp quy định còn có tính thử nghiệm thì nên quy định điều khoản chấm dứt hiệu lực sau một số năm thực hiện.

Sáu là quy định chuyển tiếp

Khi một văn bản bị sửa đổi, bãi bỏ hay thay thế, cần cân nhắc liệu văn bản hay điều khoản mới có thể có hiệu lực kể từ ngày dự kiến mà không gặp khó khăn nào không, hoặc liệu điều khoản chuyển tiếp có cần không? Nếu cần có điều khoản chuyển tiếp thì quy định chuyển tiếp được quy định thành điều riêng tại phần cuối của văn bản, được đặt tên là “Quy định chuyển tiếp” hoặc quy định thành khoản riêng tại các điều cần phải có quy định chuyển tiếp hoặc quy định thành khoản riêng tại điều quy định về điều khoản thi hành.

Bảy là quy định về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế văn bản khác

Trường hợp văn bản được ban hành có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm, cụm từ, từ của các văn bản khác thì các nội dung này được trình bày tại chương hoặc điều quy định về điều khoản thi hành. Người soạn thảo phải liệt kê cụ thể những văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ ngay trong văn bản đang được soạn thảo.

 

                                                                           Kim Khánh

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật Viên chức là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Hiện nay, ngoài Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì một số văn bản chuyên ngành cũng có quy định về đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số chồng chéo, vướng mắc cụ thể:
Ngày 01/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. So với quy định hiện nay, Nghị định số 26/2024/NĐ-CP có một số điểm mới như sau:
Năm 2023 với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Công tác cải cách hành chính được các sở, ban, ngành và địa phương chủ động thực hiện nghiêm túc và kết quả của hoạt động này được đánh giá theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 3208/QĐ-UBND ngày 05/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy chế và Bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, kết quả chấm điểm cải cách hành chính năm 2023 đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả chỉ số CCHC đối với cấp sở, UBND cấp huyện và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả chỉ số CCHC của UBND cấp xã thuộc phạm vi quản lý.
Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khoá XV thông qua vào ngày 18/01/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Luật gồm 16 chương và 260 điều (tăng thêm 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013) với nhiều điểm mới quan trọng, đã thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
Vừa qua, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tiếp tục được Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý. Đối với dự thảo lần này, xin có một số ý kiến góp ý như sau:
Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và là cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong giai đoạn 2009-2023, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về an toàn giao thông, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động góp phần tuyên truyền pháp luật về ATGT cho cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.